Lãi suất 2018: Đường đi vẫn khó đoán định
Một số ngân hàng đã chính thức giảm lãi suất cho vay cho đối tượng ưu tiên, cùng với đó là các chỉ số kinh tế vĩ mô có tiến triển khả quan khiến cho nhiều doanh nghiệp kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất 2018.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Tính đến giữa tháng 1/2018, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay dành cho nhóm đối tượng ưu tiên. Trong đó, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV, VPBank, Agribank và VietinBank đã giảm từ 0,5% - 1% xuống chỉ còn 6%/năm, áp dụng cho những khoản giải ngân mới áp dụng từ nay cho đến hết 2018.
Với quyết định giảm lãi suất lần này, các ngân hàng tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với nhóm khách hàng ưu tiên và khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - SME, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thêm vào đó, dễ nhận thấy kinh tế vĩ mô vẫn có những yếu tố hỗ trợ thuận lợi cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đó là các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ phía tỷ giá không lớn; nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 42; dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng yếu kém có chuyển biến tích cực,...
Từ những tín hiệu lạc quan đó, nhiều kỳ vọng cho rằng, mặt bằng lãi suất có thể giảm trong năm 2018. Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực đánh giá, một trong những điều kiện để mặt bằng lãi suất đi xuống là việc giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 cần được thực hiện nhanh. Thị trường đang chuẩn bị có thêm nhiều dòng tiền mới. Đơn cử như Chính phủ vừa thu về 110.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần Sabeco, đồng thời hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành cao su, dầu khí tiếp tục bán cổ phần trong quý I/2018, dự kiến thu về 150.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính này, nếu NHNN được phép quản lý và điều tiết hợp lý thì thị trường sẽ có nguồn cung VND rất lớn, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất giảm.
Đánh giá về khả năng giảm lãi suất tại các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hạ lãi suất trên thực tế thời điểm hiện nay chỉ có những ngân hàng lớn mới thực hiện được, còn những ngân hàng nhỏ khó theo được chủ trương này. Nguyên do là bởi từ nay đến Tết Âm lịch, thanh khoản thường sẽ căng, nên ngân hàng sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, nếu không có phương án cụ thể để giảm lãi suất cho vay mà giảm đột ngột, ngân hàng sẽ lỗ. Theo nhận định của ông Hiếu, sau Tết Nguyên đán, thanh khoản sẽ dịu đi, các doanh nghiệp, cá nhân lại gửi tiền về ngân hàng. Lúc đó, không chỉ các ngân hàng lớn, mà các ngân hàng nhỏ cũng có thể hạ được lãi suất cho vay.
Lãi suất vẫn khó giảm hoặc chỉ đi ngang?
Trái ngược quan điểm trên, nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn với tình hình tài chính hiện tại và cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ đi ngang trong năm 2018. Lý luận được đưa ra rằng, NHNN định hướng tín dụng tăng trưởng chỉ 17%, thấp hơn so với năm trước 1,17 điểm phần trăm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng (chủ yếu là cho vay ngắn hạn). Mặt khác, NHNN luôn kiểm soát chặt cho vay các lĩnh vực có độ rủi ro cao, hấp thụ số vốn lớn như chứng khoán, bất động sản,... Từ đó, các ngân hàng sẽ giảm được áp lực huy động vốn trung và dài hạn, giữ nguyên mặt bằng lãi suất đầu vào giữ lãi suất cho vay không tăng.
Đặc biệt, dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng trên 52 tỷ USD có thể giúp cho tỷ giá tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ USD sang VND làm tăng cung tiền, hỗ trợ lãi suất tiền đồng ổn định.
Thực tế cho thấy, đúng là một số ngân hàng lớn tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi vốn hàng chục ngàn tỷ đồng làm tăng năng lực tài chính, giúp giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc thu hồi vốn từ nợ xấu tại các ngân hàng còn lại chỉ mới giảm áp lực huy động vốn, bổ sung thanh khoản chứ chưa đủ lực làm cho lãi suất đầu vào đi xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Nhiều ngân hàng lại sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay với lãi suất hợp lý nhằm bảo đảm hòa vốn. Từ đó, mặt bằng lãi suất cho vay rất khó đi xuống.
Mới đây, trả lời báo VnEconomy, một chuyên gia cho rằng, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành, nhưng tính hiệu lực đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp và dân cư không lớn. Trong khi công cụ có hiệu lực hơn là lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO), vẫn giữ nguyên 5%/năm hơn hai năm qua.
Các ngân hàng không thể dựa vào biện pháp tiết giảm chi phí mãi, NIM cũng đã co hẹp sau nhiều năm và vừa mới nhích lên, xử lý nợ xấu mới chỉ ở giai đoạn đầu của cơ chế chứ không phải phép màu trong chốc lát… Cho nên, đường cùng của mục tiêu giảm lãi suất cho vay có lẽ cuối cùng là giảm bớt lãi suất huy động đầu vào.
Hai năm qua lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tức người gửi tiền có lãi suất thực dương đáng kể. Tuy nhiên, với một hệ thống luôn ráo riết huy động vốn, khi thị trường bất động sản và chứng khoán sôi động lên và cũng hút vốn, "đường cùng" giảm lãi suất đánh vào nguồn huy động là không dễ lựa chọn.