Lãi suất điều hành giảm tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?
Lãi suất điều hành giảm thực sự có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán nếu như thanh khoản tăng cao? Hơn nữa, đây mới chỉ là điều kiện đủ, chưa phải điều kiện cần cho tăng trưởng kinh tế.
Cổ phiếu các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất hưởng lợi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo 2 quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5/2023 liên quan đến việc giảm lãi suất huy động và lãi suất tiền gửi.
Theo đó, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay qua đêm đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất điều hành giảm thêm, nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng... sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu điện cũng đang nhận được sự quan tâm khi bản quy hoạch điện VIII đã chính thức được Chính phủ phê duyệt trong ngày 15/5. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu hàng hóa như: dầu khí, cao su tự nhiên… cũng đang có cơ hội.
Theo dữ liệu của các lần trước đó, sau khi NHNN hạ lãi suất, VN-Index thường tăng nhẹ trong 3 tháng đầu và mạnh dần lên. Tính trung bình giai đoạn 6 tháng sau đợt nâng lãi suất, VN-Index tăng khoảng 13.6%.
Thông thường, diễn biến lãi suất liên ngân hàng, thị trường mở và thanh khoản hệ thông luôn có tác động trực tiếp đến lợi suất trái phiếu Chính phủ trong ngắn hạn.
Cụ thể, lãi suất điều hành giảm sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu giảm. Xét về lý thuyết mô hình định giá và cả sự kỳ vọng của nhà đầu tư thì việc giảm lãi suất điều hành sẽ ủng hộ tích cực tới thị trường chứng khoán.
Bởi thị trường chứng khoán đi ngược với xu hướng lợi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất huy động và độ trễ thường 1-3 tháng.
Chính sách tiền tệ: Tác động tích cực hơn nếu đi kèm thanh khoản
Ông Trần Ngọc Báu - CEO của WiGroup cho rằng, quyết định giảm lãi suất lần này không mang lại nhiều kỳ vọng cho các nhà đầu tư. Bởi, thị trường chứng khoán chỉ phản ánh ngược chiều mạnh mẽ với diễn biến lợi suất khi có sự đảo ngược thanh khoản đi kèm, nếu không thì hoạt động sẽ khá yếu ớt.
“Nhìn phản ứng của thị trường trong 2 lần giảm lãi suất trước đó là chúng ta có thể cảm nhận được phần nào”, ông Báu chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, lãi suất giảm nhưng sự đồng bộ vẫn yếu, thanh khoản hệ thống chỉ ở mức cân bằng và cung tiền gần như đình trệ. Không khó để phán đoán tác động của đợt giảm lãi suất đến thị trường lần này cũng sẽ không đủ mạnh để thị trường có một sự bứt tốc mạnh mẽ vào lúc này.
Mặt khác, đôi khi "tin tốt ra lại là bán", bởi tại những vùng trũng thông tin, thị trường đều kỳ vọng hết vào một tin tốt nên dòng tiền đã gia nhập trước để đón đầu. Đến khi tin ra và đen hơn là giá phản ứng chậm với tin thì dòng tiền đi trước này sẽ mau lẹ chốt, áp lực là không nhỏ.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động này mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.