Làn sóng sáp nhập thứ 2 có diện mạo thế nào?
(Tài chính) Các thương vụ sáp nhập đình đám thời gian qua đang làm thay đổi trật tự thứ hạng trên thị trường ngân hàng. Không chỉ có thế, kịch tính của thị trường này vẫn còn ở phía trước, khi con số ngân hàng sáp nhập chưa dừng lại.
Những xu hướng sáp nhập mới
Chưa bao giờ, mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng lại nóng như năm nay khi làn sóng sáp nhập dồn dập diễn ra. Chỉ tính riêng trong tuần qua, đã có 2 cặp ngân hàng được cổ đông duyệt phương án về một nhà, đó là trường hợp Maritime Bank sáp nhập MDB và SouthernBank về một nhà với Sacombank.
Bên cạnh đó, cổ đông PG Bank cũng đã nhất trí ủy quyền cho hội đồng quản trị (HĐQT) lựa chọn đối tác sáp nhập (với đối tác đang bị đồn đoán là VietinBank). Nhiều ngân hàng khác cũng sắp trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập, như VietCapitalBank, VietABank…
Theo nhận xét của các chuyên gia ngân hàng, so với làn sóng mua bán, sáp nhập trước đây, xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay có nhiều điểm mới.
Điểm mới thứ nhất là sáp nhập ngân hàng để thống nhất sở hữu chéo, điển hình là mô hình Sacombank sáp nhập Southerbank và Maritime Bank sáp nhập MDB.
Cụ thể, với việc Sacombank sáp nhập Southerbank, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đã “quy được về một mối” sở hữu của mình tại hai ngân hàng này. Hiện ông Trầm Bê và những người liên quan đang nắm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank và hơn 20% vốn điều lệ tại Southerbank.
Tương tự, sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng giúp hai tổ chức này gỡ được mối quan hệ chằng chịt, phức tạp về sở hữu chéo. Cụ thể, Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF (khoảng 282 tỷ đồng). Trong khi đó, MDB đã mua 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) - tập đoàn có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo Maritime Bank và nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank,
Điểm mới thứ hai của xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay là có sự tham gia của những “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, như VietinBank, Vietcombank.
Điểm mới thứ ba là xuất hiện mô hình sáp nhập chưa từng có. Cụ thể, trong tờ trình gửi cổ đông ngày 11/4, PG Bank đã trình phương án sáp nhập ngân hàng này vào VietinBank theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Dù phương án này cụ thể này đã nhanh chóng bị PG Bank rút lại, song trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PG Bank khẳng định, không loại trừ phương án này sẽ diễn ra.
Phân tích với Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc sáp nhập ngân hàng theo mô hình trên là hoàn toàn khả thi nếu ngân hàng bị sáp nhập có thương hiệu tốt, khách hàng tốt.
Chính ông Bùi Ngọc Bảo cũng khẳng định, ngân hàng nào sáp nhập PG Bank cũng sẽ tận dụng được lợi thế rất lớn của từ các doanh nghiệp xăng dầu trong mạng lưới Petrolimex.
Trong khi đó, theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), không loại trừ mô hình trên mở đường cho một xu hướng sáp nhập ngân hàng mới: sáp nhập, sau đó bán đi.
Sẽ có thêm hơn chục ngân hàng tham gia sáp nhập
Sáp nhập ngân hàng hiện nay không chỉ còn là sức ép của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là sức ép để tồn tại của bản thân các ngân hàng nhỏ.
Thực tế, những trường hợp ngân hàng đã và đang bị sáp nhập vừa qua, như Southernbank, MDB, Westerbank, Habubank… đều chỉ có vốn điều lệ 3.000-4.000 tỷ đồng. Hiện trên thị trường còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Sức ép sáp nhập, hợp nhất để tồn tại với các ngân hàng này ngày càng tăng, khi tới đây, rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng quy định về vốn điều lệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia kinh tế nhận định, không loại trừ khả năng một khi đã “dọn dẹp” cơ bản các ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ nâng quy định về vốn điều lệ.
“Trước đây, NHNN đã từng xây dựng dự thảo nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Theo đó, năm 2015, vốn điều lệ của ngân hàng bị nâng lên 10.000 tỷ đồng. Do khủng hoảng kinh tế diễn ra, dự định này đã bị dừng lại. Song chắc chắn, thời gian tới, NHNN sẽ phải nâng quy định về vốn điều lệ. Khi đó, ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nếu không sáp nhập, sẽ phải đóng cửa”, chuyên gia trên nói.
Chính Thống đốc NHNN cũng khẳng định, với quy mô nền kinh tế hiện nay, Việt Nam chỉ cần 14-17 ngân hàng là đủ. Tất nhiên, lộ trình giảm số lượng ngân hàng không diễn ra đột ngột, song đây cũng là hồi chuông cảnh báo của các ngân hàng nhỏ.
“Tôi cảnh báo đến các ngân hàng nhỏ rằng, rất khó hoạt động trong thời gian này, vì khả năng cạnh tranh gần như không còn. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng, các ngân hàng nên ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Ngoài xu hướng sáp nhập các ngân hàng nhỏ, theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, sẽ còn rất nhiều trường hợp sáp nhập diễn ra để “gom” sở hữu chéo, thoái vốn, hoặc hỗ trợ tái cơ cấu. Ngoài ra, không loại trừ các ngân hàng tầm trung cũng sáp nhập với nhau để hình thành những tập đoàn ngân hàng lớn mạnh.
Cũng theo chuyên gia trên, việc NHNN thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thời gian qua đã giúp hệ thống loại bỏ được các ngân hàng yếu kém, mà không tốn ngân sách, đây là việc làm rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, NHNN nên lựa chọn những mô hình sáp nhập, hợp nhất hiệu quả nhất để thúc đẩy.
Dù làn sóng sáp nhập ngân hàng đang được các ngân hàng hăng hái tham gia và được NHNN khuyến khích, song bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo: “Nếu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà chỉ là sáp nhập, mua bán giữa các ngân hàng với nhau thôi, thì không đủ. Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn, thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi”.
Bà Kwakwa cũng khuyến nghị, nếu ngân hàng nào quá yếu kém, thì NHNN xem xét cho phá sản thay vì sáp nhập.
Vẽ lại bức tranh thứ hạng ngân hàng
Các thương vụ sáp nhập ngân hàng dồn dập diễn ra thời gian gần đây đang khiến thứ hạng của nhiều ngân hàng, xét về quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản, đang có sự thay đổi khá ngoạn mục. Theo đó, trong khi thứ hạng của khối ngân hàng quốc doanh vẫn khá ổn định, thì thứ hạng của khối ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước không nắm tỷ lệ sở hữu chi phối xáo trộn khá lớn.
Theo đó, vị trí “quán quân” về vốn điều lệ mà Eximbank nắm giữ bấy lâu nay (hiện là 12.355 tỷ đồng) đã bị Sacombank đánh bật từ cuối năm 2013. Kế hoạch tăng vốn của Eximbank không thể giúp ngân hàng này trở lại vị trí quán quân khi Sacombank sáp nhập Southerbank sẽ khiến ngân hàng sáp nhập có vốn điều lệ lên tới 16.425 tỷ đồng, với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh.
Đặc biệt, nếu Eximbank sáp nhập với Sacombank như dự định của lãnh đạo hai ngân hàng, vốn điều lệ của ngân hàng hậu sáp nhập sẽ tương đương và cạnh tranh ngang ngửa với ngân hàng quốc doanh.
Một trường hợp “thăng hạng” hậu sáp nhập nữa là Maritime Bank. Hiện nay, với vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, Maritime Bank đứng sau rất nhiều ngân hàng như Techcombank, PVcombank, ACB, SHB, MB. Tuy nhiên, bằng việc sáp nhập với MDB, vốn điều lệ của Maritime Bank đã vọt lên 11.750 tỷ đồng, chỉ đứng sau Eximbank và Sacombank. Đồng thời, Maritime Bank cũng trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các ngân hàng cổ phần, với gần 300 điểm trên toàn quốc. Nếu biết cách tận dụng lợi thế của mạng lưới và khách hàng của hai ngân hàng cộng lại, Maritime Bank có thể có mặt trong Top 5 ngân hàng cổ phần đình đám nhất hiện nay.
Hiện tại, Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất hiện nay là Eximbank, Sacombank, MB, Techcombank và ACB. Tuy nhiên, trong danh sách này, xét về quy mô vốn điều lệ, tổng tài sản và đặc biệt là lợi nhuận, thì chỉ có MB là giữ vững phong độ. Xét về chỉ tiêu lợi nhuận, MB đang dẫn đầu Top 5, trong khi Eximbank, ACB, Techcombank… đều gặp nhiều khó khăn, suy giảm lợi nhuận. Thậm chí, xét về lợi nhuận, ba ngân hàng trên còn thua kém cả các ngân hàng xếp chiếu dưới là SHB, VPBank…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng đang tiếp tục diễn ra, không chỉ thứ hạng ngân hàng cổ phần thay đổi mà các ngân hàng quốc doanh cũng phải tự làm mới mình để nâng cao với khối ngân hàng cổ phần đang mạnh lên.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, so với các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng tư nhân trong nước hiện còn nhỏ bé. Vì vậy, trong quá trình sáp nhập, NHNN nên định hướng để hình thành những tập đoàn ngân hàng tư nhân đủ mạnh, làm đối trọng với các ngân hàng quốc doanh.
“Việc toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống. Cần phải xây dựng, hình thành những ngân hàng tư nhân lớn mạnh, có bề dày để tạo sự năng động cho toàn hệ thống ngân hàng”, TS. Thành nói.