Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ:

Liều thuốc cần cho tăng trưởng


Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Chính sách này hết sức cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp suy kiệt và là liều thuốc cần cho tăng trưởng.

Rất nhiều chỉ dấu cho thấy doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đang thực sự trong tình trạng rất khó khăn. Theo TS. Bùi Trinh - Chuyên gia về thống kê, tích lũy tài sản cố định trong quý I/2023 hầu như không tăng. Tích lũy tài sản lưu động giảm 2,94%, phần nào phản ánh đúng thực trạng các doanh nghiệp hiện nay trong trạng thái rất suy kiệt; không mở rộng sản xuất mà phải bán nguyên vật liệu để thu hồi vốn hoặc hầu như chỉ sản xuất cầm chừng, phá sản hoặc sắp phá sản. Tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng cũng chỉ đạt 3,06%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và các năm bị dịch COVID-19 trước đó.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước cũng là một chỉ dấu đáng quan ngại. Bên cạnh đó, điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ có 24,3%). Nếu tăng trưởng không hồi phục, suy thoái kinh tế có thể sẽ đến. 

Vào lúc này, các chính sách hỗ trợ là cần thiết, giúp doanh nghiệp cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn, tránh việc họ phải rút lui khỏi thị trường thì tổn thất sẽ lớn hơn. Sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp Việt có thể coi là một điều kiện cần để duy trì các động lực đã làm nên tăng trưởng kinh tế năm 2022 và tiếp tục là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, Thông tư số 02/TT-NHNN ban hành ngày 23/4 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được kỳ vọng là phao cứu sinh cho doanh nghiệp đang suy kiệt và là liều thuốc cần có cho tăng trưởng.

Theo Thông tư này, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Chính sách sẽ có hiệu lực từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, trong vòng 14 tháng tới, Thông tư số 02/TT-NHNN sẽ giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ. Do được giữ nguyên nhóm nợ, doanh nghiệp và bên vay sẽ tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới để duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng. Qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tiếp theo. 

Tất nhiên, rủi ro của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là làm gia tăng nợ xấu. Để xử lý vấn đề này, Thông tư số 02/TT-NHNN giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. 

Việc phải trích lập dự phòng ngay từ năm nay phần nào ảnh hưởng lên lợi nhuận và kế đó là động lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhưng mức độ tác động được kỳ vọng sẽ giảm dần. Bởi lẽ, các ngân hàng cũng đang đứng trước áp lực phải tăng khối lượng tín dụng - nghiệp vụ chiếm 70% thu nhập của ngân hàng -  song tăng trưởng tín dụng đang chậm lại. Đến ngày 20/4, mới đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và chỉ bằng 1/3 so với mức 6,46% của cùng kỳ năm 2022. Hầu hết ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng quanh mức 2%.

Mặc dù vậy, Thông tư số 02/TT-NHNN chỉ có hiệu lực đến giữa năm 2024, sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bên vay. Khi đó, sẽ phụ thuộc vào tình hình môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng, sản xuất kinh doanh hiệu quả của mỗi doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại hay được giãn nợ… Bằng không, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tín dụng.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn