Loạn hàng hóa “Made in Việt Nam” nhưng xuất xứ nước ngoài

Theo Hậu-Hồng/sggp.org.vn

Nhiều người tiêu dùng thực sự bị sốc khi biết rằng hàng loạt sản phẩm điện tử của Tập đoàn Asanzo được sản xuất ở Trung Quốc nhưng bao lâu nay lại gắn mác Việt Nam, thậm chí còn được vinh danh là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn quận 5, TP. Hồ Chí Minh

Sau khi sự thật về Asanzo được phanh phui, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với hãng này.

Người dân bức xúc

Trong thông cáo phát đi vào chiều 21-6 vừa qua liên quan tới vụ Tập đoàn Asanzo bán hàng loạt đồ điện tử gia dụng gắn mác Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc và được công nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này. Hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, tại nhiều siêu thị điện máy, siêu thị đồ điện tử, các cửa hàng, đại lý bán lẻ… trên cả nước trưng bày rất nhiều sản phẩm của Asanzo. Tuy nhiên, sau khi lộ ra sự thật về nguồn gốc xuất xứ của hãng này, từ ngày 22-6 đến nay, nhiều nơi không còn trưng bày, kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo nữa. Nhiều trung tâm điện máy, trong đó có cả những trung tâm điện máy lớn như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… thông báo “hết hàng”, “không còn bán” đối với các sản phẩm của hãng này.

Tuy nhiên, sự thật là hiện nay không riêng gì các sản phẩm của Asanzo đang đánh lừa người tiêu dùng Việt mà nhiều người tiêu dùng cũng đang rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt loại hàng hóa mang danh “made in Việt Nam” nhưng thực tế lại sản xuất ở Trung Quốc với giá rẻ, chất lượng kém, rồi tuồn thẳng vào thị trường nội địa, trốn thuế và móc túi người tiêu dùng. 

Từ nhiều năm nay, rất nhiều thương hiệu hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi thế khi người tiêu dùng quay lại ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao và tẩy chay hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém nhập khẩu, nhập lậu từ Trung Quốc. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không còn là lời kêu gọi mà thực sự nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay lại đang nảy sinh tình trạng nhiều sản phẩm có uy tín, mang thương hiệu của Việt Nam được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tuồn vào thị trường nội địa thông qua con đường nhập lậu, thậm chí nhập khẩu ngạch luôn.

Trong vai khách hàng đi tìm đối tác cung cấp quần áo, mũ vớ thời trang số lượng lớn để làm đại lý cung cấp lại nguồn hàng giá rẻ cho các cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM, chúng tôi tìm sang chợ Lũng Vài của Trung Quốc. Nằm cách thị trấn Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) chỉ một đường biên, đây có thể xem là “tổng kho” chuyên cung cấp các loại hàng hóa, đồ tiêu dùng giá rẻ, chất lượng kém cho các doanh nghiệp, đại lý của Việt Nam. “Tổng kho” Lũng Vài gồm hàng trăm cửa hàng, ki ốt, đại lý nằm san sát nhau, từ thấp tới cao trong một thung lũng sát biên giới. Trong ki ốt, kho chứa nào cũng chất lặc lè hàng hóa, giá rẻ đến ngỡ ngàng. Thông qua phiên dịch của những cô gái ở Lạng Sơn được thuê sang đây bán hàng, chủ một kho hàng nói với tôi: “Muốn mua bao nhiêu kiện quần áo, lô hàng cũng có. Nếu muốn in tem mác Thái Lan, Hàn Quốc hoặc Việt Nam, hãng nào cũng được, chỉ cần đặt cọc 50% số tiền”. Tại một kho hàng nằm cách 3 - 4 dãy ki ốt, một chủ kho nói: “Về vận chuyển thì khỏi lo. Toàn bộ quần áo sẽ được đóng gói rồi có đội chuyên vận chuyển về Việt Nam”. Chi phí vận chuyển được tính theo ký, sang tới Lạng Sơn giao hàng hoặc đưa về tận Hà Nội theo yêu cầu”. 

Điều khiến chúng tôi để tâm là hiện nay, người ta có thể in sẵn tem mác “made in Việt Nam” tại Trung Quốc, rồi gắn lên các loại hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó mới đưa về Việt Nam để bán. Chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội tiết lộ, bây giờ rất nhiều sản phẩm, doanh nghiệp đều sang Trung Quốc thuê họ làm gia công, in ấn tem nhãn để cung cấp cho khách hàng. Lý do vì chi phí làm gia công tại Trung Quốc chỉ bằng 1/2 so với sản xuất tại Việt Nam. Bên này lại sẵn công nghệ, máy móc, chất lượng tem nhãn “hàng nhái” làm không khác “hàng xịn”, chưa kể có những doanh nghiệp còn thuê các xưởng tại Trung Quốc làm gia công chính những sản phẩm của mình để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đề nghị doanh nghiệp cùng phối hợp

Không chỉ những loại hàng hóa có thể mang vác theo đường mòn lối mở, nhập lậu mà ngay cả các loại hàng hóa, sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng… hiện nay cũng đang xuất hiện tình trạng hàng “made in Việt Nam” nhưng xuất xứ đích thực từ Trung Quốc.  

Trước thực trạng này, trả lời báo giới, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ, hiện nay, tình trạng giả nhãn mác có 2 nguồn: doanh nghiệp đặt hàng gia công, làm giả ngay từ nước ngoài sau đó tìm cách thẩm lậu vào thị trường nội địa theo đường mòn lối mở; sản xuất hàng giả ngay trong nước. 

Với hàng giả sản xuất, kinh doanh ở thị trường nội địa, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng “cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả trên thị trường”. Ông Linh dẫn chứng, gần đây lực lượng quản lý thị trường đã bắt hơn 3.000 chiếc đồng hồ toàn giả thương hiệu của các hãng đồng hồ nổi tiếng, và sở dĩ phát hiện được là do các hãng nước ngoài phát hiện, rồi báo cho lực lượng quản lý thị trường. Các vụ khác cũng là nhờ có sự phối hợp của doanh nghiệp. 

Còn về tình trạng làm giả nhãn mác ngay ở nước ngoài, ông Trần Hữu Linh nói rằng, Tổng cục Quản lý thị trường vẫn thường phối hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan là đơn vị chủ chốt trong chống buôn lậu, hàng giả ở cửa khẩu. “Khi hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa thì lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, quản lý thị trường cũng chỉ là một trong các đơn vị xử lý vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa” - ông Linh giãi bày. 

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Thực tế thì thời gian qua, nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định điều tra phòng vệ thương mại với thép Việt Nam do nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn Mỹ từng có quyết định áp thuế chống bán phá giá với mức cao ngất ngưởng.