Lợi ích thiết thực cho đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT từ Đề án 06

Đức Bảo - Thu Lan

Thời gian qua, trên nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Đặc biệt, việc triển khai Đề án 06 của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Việc chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Việc chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Bám sát các nội dung cốt lõi của Đề án và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an - Cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, BHXH Việt Nam đã triển khai 5 nhóm tiện ích phục vụ thiết thực cho người dân và DN thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Hiện nay, tất cả TTHC của BHXH Việt Nam được cung cấp DVC trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, ứng dụng VssID - BHXH số, các tổ chức IVAN. 20/25 TTHC (chiếm 80%) đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC quốc gia.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai thành công 2 nhóm TTHC liên thông gồm: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.

Để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai liên thông dữ liệu điện tử Giấy khám sức khỏe lái xe (phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến), Giấy chứng sinh, Giấy báo tử từ các cơ sở khám chữa bệnh qua hạ tầng công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam. Đến nay có hơn 4,3 triệu dữ liệu điện tử của 3 loại giấy tờ này được liên thông qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.

Những kết quả trên giúp người dân, DN có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT ngày càng thuận tiện, không cần giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp người dân, DN chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí, không bị ảnh hưởng bởi không gian, thời gian, tình hình sức khỏe, thời tiết; đồng thời có thể chủ động theo dõi quá trình, kết quả giải quyết, đảm bảo công khai, minh bạch…

Hai là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số. 

BHXH Việt Nam đã cấp bản điện tử của sổ BHXH và thẻ BHYT; đồng thời, hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID - BHXH số từ năm 2020 và từ ngày 01/6/2021 triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc và được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trên cơ sở đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ khám chữa bệnh BHYT.

Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Ba là, nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn quốc có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.

Đặc biệt, ngày 22/3/2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Qua đó, dữ liệu của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được đồng bộ, cập nhật thường xuyên với cơ sở dữ liệu về dân cư, giúp tăng cường hơn nữa độ chính xác, giúp chi trả đúng người; tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ.

Việc chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, được đông đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN đón nhận.

Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 2 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu...

Năm là, hoàn thiện hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao.

Nhằm phục vụ người dân trong khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức Hệ thống thông tin giám định BHYT. Hệ thống này thường xuyên được phát triển, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các chức năng, tính năng, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hơn 621 nghìn đơn vị, DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, qua đó giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các TTHC về BHXH, BHYT, BHTN.

Như vậy, việc chủ động, quyết liệt triển khai Đề án 06, đến nay ngành BHXH Việt Nam đạt được những kết quả tích cực mà đối tượng thụ hưởng là chính người dân và DN; qua đó, giúp việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày càng kịp thời, nhanh chóng, chính xác.