Luật kế toán năm 2015 trong chiến lược cải cách khung pháp lý về kế toán Việt Nam
Trước yêu cầu cải cách hệ thống kế toán phù hợp với tiến trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Việc thực hiện Chiến lược đặt ra yêu cầu cấp bách phải cải cách căn bản khung pháp lý về kế toán, kiểm toán phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam và thông lệ kế toán, kiểm toán phổ biến trên thế giới. Trong lộ trình đó, vấn đề hoàn thiện Luật Kế toán Việt Nam năm 2003 đã sớm được đặt ra. Sau một thời gian nghiên cứu, thảo luận, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Luật Kế toán năm 2015 được ban hành với quan điểm chỉ đạo chung là:
- Thực hiện quan điểm của Đảng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước hình thành cơ chế chính sách, công cụ quản lý kinh tế - xã hội, trong đó xác định kế toán là công cụ để phản ánh biến động nguồn vốn, tài sản của quốc gia, của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh tế - xã hội một cách đầy đủ, chính xác, trung thực, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như khả năng giám sát điều kiện thực thi.
- Kế thừa các quy định trong Luật Kế toán năm 2003, với các quy định pháp luật vẫn có giá trị áp dụng sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung, sửa đổi những điều cần thiết, có sự bất cập trong thực thi. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo khả năng thực thi, khả năng giám sát của Nhà nước, không làm ảnh hưởng, biến động lớn đối với hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
- Nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng vào điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam cho phù hợp, không dập khuôn, máy móc các khuôn mẫu, bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam khác so với các nước, đó là đang trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tác động của Luật Kế toán năm 2015
Việc ban hành Luật Kế toán năm 2015 đã đạt được những kết quả rất cơ bản và lâu dài, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở các khía cạnh chủ yếu sau:
Thứ nhất, Luật Kế toán đánh dấu một bước tiến mới tạo tiền đề và động lực thúc đẩy tiến trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán ở Việt Nam. Các điểm mới được đề cập trong Luật như các nguyên tắc kế toán đã được cập nhật theo thông lệ quốc tế... tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, ban hành mới và sửa đổi hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và hệ thống các văn bản dưới luật khác sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến tới áp dụng các nguyên tắc và thông lệ kế toán tốt nhất ở Việt Nam.
Thứ hai, Luật Kế toán đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện để các đơn vị kế toán phát huy sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin. Vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động kế toán và công tác kế toán trong nội bộ doanh nghiệp (DN) được phân định khá rõ trong Luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong quan điểm xây dựng khung pháp lý về kế toán, tiệm cận với thông lệ về kế toán các nước hiện nay.
Thứ ba, Luật Kế toán đã tạo hành lang pháp lý để tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của các nhà đầu tư, công chúng đối với thông tin tài chính của các đơn vị kế toán, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin trong xã hội.
Đặc biệt, các quy định về công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ mới được sửa đổi, bổ sung vào Luật còn hướng đến tăng cường công tác quản trị DN, bảo vệ tài sản và phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong các hoạt động kinh tế, góp phần trực tiếp vào thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang được triển khai rất quyết liệt trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, các nội dung được sửa đổi và bổ sung về kế toán nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc hoàn thiện công tác kế toán nhà nước. Đặc biệt, các quy định về báo cáo tài chính nhà nước là một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật. Trên cơ sở đó, khung pháp lý về kế toán nhà nước có tiền đề để hoàn thiện căn bản theo hướng phù hợp với thông lệ kế toán các nước, góp phần tăng cường minh bạch tài chính công trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Thứ năm, vấn đề hành nghề kế toán được đề cập khá rõ ràng và có nhiều điểm mới trong Luật. Đây chính là tiền đề để tiếp tục ban hành, hoàn thiện các quy định về quản lý hành nghề kế toán, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường dịch vụ kế toán theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng tham gia, liên thông với thị trường dịch vụ kế toán của các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước trên thế giới.
Thuận lợi và khó khăn khi triển khai
Luật Kế toán năm 2015 được đánh giá là sẽ có tác động sâu, rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Luật được ban hành và triển khai vào thực tiễn trong bối cảnh các điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường nghề nghiệp về kế toán – kiểm toán có những thuận lợi nhất định:
- Khung pháp lý về kế toán Việt Nam trong thời gian qua đã có những cải cách nhất định theo hướng ngày càng phù hợp với thông lệ kế toán các nước. Những vấn đề mới được đặt ra trong Luật ít nhiều cũng đã được truyền tải đến cộng đồng các nhà quản lý, các DN và người làm kế toán. Do vậy, về góc độ nhận thức, chắc chắn tinh thần và các quy định mới trong Luật sẽ nhanh chóng tiếp cận với các chủ thể có liên quan.
- Nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết phải đổi mới hệ thống kế toán nói chung ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế là khá rõ đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư và cộng đồng người làm kế toán. Do vậy, các chủ thể liên quan sẽ sẵn sàng tiếp nhận và triển khai những điểm mới được Luật Kế toán 2015 đề cập. Có thể nói, cộng đồng DN và người làm kế toán rất “hào hứng” với những vấn đề mới được đặt ra trong Luật, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, nâng tầm nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam.
- Các vấn đề thực tế phát sinh trong hoạt động kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay rất phong phú, đa dạng và điển hình của một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Các quy định mới được đặt ra đã trực tiếp góp phần giải quyết thỏa đáng những hạn chế trước đây, tháo gỡ những “nút thắt” cố hữu trong hệ thống kế toán, chất lượng thông tin tài chính của các DN.
- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm qua, kéo theo tư tưởng hội nhập về kế toán, kiểm toán được hình thành và chín muồi trong giai đoạn hiện nay. Nhiều vấn đề kế toán trong thực tiễn đã đi trước một bước trong tiến trình hội nhập như: Hoạt động đào tạo về kế toán theo thông lệ quốc tế; các hiệp hội kế toán công chứng hoạt hoạt động thành công, phát triển hội viên đông đảo tại Việt Nam; công tác kế toán ở các DN Việt Nam quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài đã từng bước tiếp cận thông lệ kế toán các nước... Đây chính là tiền đề thuận lợi để triển khai Luật Kế toán thành công trong thời gian tới.
Luật Kế toán năm 2015 được coi như bước ngoặt quan trọng để cải cách căn bản hệ thống kế toán Việt Nam cho phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường và tiệm cận với các thông lệ tốt, phổ biến về kế toán trên thế giới.
- Luật Kế toán được xây dựng trên tinh thần đổi mới quyết liệt theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế về kế toán. Tuy nhiên, trong khuôn khổ pháp lý chung về quản trị DN; chính sách thuế, tài chính, đầu tư... của Việt Nam đang trong quá trình đổi mới dẫn đến tính đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp quy về quản lý kinh tế tài chính chưa cao. Đây là một rào cản lớn dẫn đến sự thiếu nhất quán trong áp dụng các quy định. Một thực tế ở Việt Nam là khi các quy định pháp lý thiếu đồng bộ, các chủ thể kinh tế có khuynh hướng áp dụng các quy định chuyên ngành (thuế, tài chính...) thay vì áp dụng các quy định kế toán nói chung.
- Nhận thức về tính cấp thiết phải đổi mới khung pháp lý về kế toán từ góc độ các nhà quản lý, các đơn vị và cộng đồng người làm kế toán là rất rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuẩn bị để tiếp nhận, triển khai các quy định mới về kế toán trong Luật còn khá hạn chế. Từ nhận thức về những vấn đề mới như: giá trị hợp lý; nguyên tắc coi trọng hơn bản chất; ứng dụng công nghệ trong kế toán và dịch vụ kế toán... đến các hành động cụ thể để triển khai áp dụng còn một khoảng cách khá xa.
- Các điều kiện đảm bảo để thực hiện các quy định mới trong Luật như vấn đề giá trị hợp lý, vấn đề kiểm toán nội bộ... còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, thị trường định giá tài sản, kiểm toán và dịch vụ kế toán mới đang ở giai đoạn hình thành và phát triển bước đầu. Đây là một rào cản kỹ thuật lớn vì việc áp dụng các quy định mới trong Luật đòi hỏi sự đồng bộ và phát triển của các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ định giá tài sản và kiểm toán.
Luật Kế toán năm 2015 tạo hành lang pháp lý để tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của các nhà đầu tư, công chúng đối với thông tin tài chính của các đơn vị kế toán, góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin trong xã hội.
Một số khuyến nghị triển khai Luật
Với những thuận lợi, khó khăn và phân tích bối cảnh mà Luật Kế toán năm 2015 được triển khai, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị sau:
- Các cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy định, đặc biệt là các quy định mới của Luật như: Quy định về giá trị hợp lý; quy định về kiểm toán nội bộ; quy định về kế toán nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước; quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực kế toán... Việc ban hành đồng bộ các quy định cụ thể sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các quy định của Luật trong thực tiễn công tác kế toán ở các đơn vị.
- Trên cơ sở các quy định mới đã tháo gỡ được các “nút thắt” trong khung pháp lý về kế toán, Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi, ban hành thêm các chuẩn mực kế toán áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh; ban hành các chuẩn mực kế toán công để cụ thể hóa chủ trương cải cách hệ thống kế toán Việt Nam theo thông lệ kế toán quốc tế. Đồng thời, sớm có lộ trình cụ thể trong việc áp dụng các chuẩn mực kế toán/chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính ở Việt Nam;
- Về phía các DN, cần sớm chuẩn bị các điều kiện để triển khai luật trong đó cần quan tâm đến chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên môn về kế toán, kiểm toán nội bộ; có phương án sử dụng các dịch vụ liên quan như dịch vụ định giá tài sản, dịch vụ kiểm toán... quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán nói chung và quản trị DN nói riêng;
- Về phía các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới trong Luật Kế toán năm 2015 tới cộng đồng người làm kế toán, các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng; cần có lộ trình sớm đưa vào chương trình đào tạo kế toán các nội dung mới, các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán/chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính;
Có thể nói, Luật Kế toán năm 2015 được coi như một bước ngoặt quan trọng để cải cách căn bản hệ thống kế toán Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường và tiệm cận với các thông lệ kế toán trên thế giới. Việc triển khai Luật Kế toán vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay có nhiều khía cạnh thuận lợi song hành cùng những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Để triển khai thành công Luật, trong thời gian tới, đòi hỏi cần có sự phối hợp tích cực từ phía các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, người làm kế toán và các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo. Với những tác động tích cực của Luật, nghề nghiệp kế toán Việt Nam sẽ được nâng lên tầm cao mới, có khả năng chủ động hội nhập với cộng đồng kế toán các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2005), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam,
NXB Tài chính;
2. Học viện Tài chính (2014), Nguyên lý kế toán, NXB Tài chính;
3. Ngô Thế Chi, Phạm Văn Đăng (2012,2013), Kế toán Việt Nam –
Quá trình hình thành và phát triển, NXB Tài chính;
4. Quốc hội khóa 13, Luật Kế toán Việt Nam năm 2015;
5. Các kỷ yếu hội thảo khoa học góp ý xây dựng Luật Kế toán của Học viện Tài chính; Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội năm 2015.