Một số giải pháp thúc đẩy tài chính tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Bài viết nghiên cứu chuyển đổi số giúp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Ngân hàng cũng đã đưa ra một số giải pháp giúp khách hàng có trải nghiệm dễ dàng và hấp dẫn hơn.
Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới và trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, Chính phủ với mục tiêu hiện đại hóa toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng giữ vai trò quan trọng, quyết định đến sự “sống còn”, phát triển của các ngân hàng. Trong thời gian vừa qua, công cuộc chuyển đổi số ngân hàng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế triển khai chuyển đổi số ngân hàng cũng gặp những khó khăn nhất định, cần đề ra những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Ngân hàng số có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet. Các tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào thời gian, không gian.
Ngân hàng thực hiện số hóa quy trình, các hoạt động tài chính của khách hàng đều được xử lý online, thanh toán chuyển khoản, chuyển tiền 24/7, vay ngân hàng, gửi tiết kiệm, quản lý tài khoản, quản lý thẻ, quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp - khả năng bảo mật là tuyệt đối và được giám sát chặt chẽ.
Nội dung nghiên cứu
Kế hoạch đề ra
Theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025, và đến năm 2030 là 70%; chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, phát triển và tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, đẩy mạnh chuyển dịch kênh, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo lập giá trị mới, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành Ngân hàng triển khai “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động kinh doanh”.
Thực trạng
Với vị thế là Ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường, Vietinbank luôn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, đem lại những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, đã có 65% sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thực hiện hoàn toàn trên kênh số, 97% giao dịch khách hàng được thực hiện qua kênh điện tử.
Thực trạng dữ liệu số
Hiện tại dữ liệu của ngành Ngân hàng không hoàn toàn sạch nên có nhiều điểm còn bất cập như sau:
- Với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân (CMND) trước đây, kẻ gian có thể giả mạo giấy tờ tùy thân, thay ảnh CMND để mở tài khoản ngân hàng. Bằng mắt thường và kỹ năng thông thường của giao dịch viên thì khó có thể phát hiện được giấy tờ giả mạo;
- Có những trường hợp kẻ gian thuê nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng chính tài khoản đó để gian lận, phạm tội;
- Thông tin của khách hàng có thể bị thay đổi như: địa chỉ, tình trạng hôn nhân, số điện thoại mà không thông báo cập nhật tới ngân hàng. Ngay cả khi đổi sang giấy tờ tùy thân là căn cước công dân mới, khách hàng không có thói quen đến ngân hàng để cập nhật thông tin.
Thực trạng triển khai giải pháp eKYC tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Bên cạnh việc dữ liệu số chưa được làm sạch, thực trang chưa thể tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia cũng tạo sự khó khăn trong công tác triển khai giải pháp eKYC - giải pháp định danh khách hàng điện tử tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Do đó, tỷ lệ không thành công của eKYC còn nhiều, và ngân hàng cũng cần đầu tư nguồn lực để hậu kiểm thủ công - đây là chi phí rất lớn để bù lại khiếm khuyết về công nghệ.
Nguyên nhân của khó khăn này đến từ:
- Tỷ lệ thành công chưa cao do có những căn cước công dân/chứng minh nhân dân chất lượng kém, khó đọc thông tin hoặc người dân chụp thông tin không rõ;
- Không thể phát hiện các trường hợp giấy tờ bị làm giả một cách tinh vi, vì dựa vào ảnh thay vì đọc chip được bảo mật bằng các key công nghệ cao;
- Khuôn mặt trên căn cước công dân/chứng minh nhân dân không được cập nhật nên đôi khi xác thực không khớp.
c. Thực trạng xây dựng kênh phân phối hiện đại, tiện dụng
Với khách hàng cá nhân, ứng dụng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam iPay Mobile đã thu hút hơn 6,5 triệu khách hàng sử dụng với gần 60 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng, tăng trưởng 150% qua mỗi năm, qua đó góp phần làm giảm áp lực giao dịch tại quầy. Theo đó, số lượng giao dịch tại quầy đã giảm hơn 50% trong năm 2022.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng.
Cùng với đó, nền tảng ngân hàng số Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam eFAST dành cho khách hàng doanh nghiệp được xem như “trợ lý tài chính số” với hơn 130 tính năng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam eFAST cung cấp toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang được phục vụ tại quầy giao dịch (chỉ trừ các dịch vụ liên quan đến tiền mặt); từ các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu đến các dịch vụ chuyên biệt được “may đo” theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Đối với giao dịch tại quầy, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã xây dựng hệ thống xếp hàng tự động tích hợp sinh trắc học và triển khai tại 53 chi nhánh trên cả nước. Đến nay, ngân hàng đã thu thập dữ liệu sinh trắc học của hơn 4 triệu khách hàng. Việc đồng bộ kho dữ liệu sinh trắc học sử dụng cho cả kênh quầy và kênh giao dịch điện tử đã giúp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam từng bước hiện đại hóa kênh giao dịch, tăng tiện ích facepay (thanh toán bằng khuôn mặt) cho khách hàng.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng nền tảng ngân hàng mở. Đến nay, số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng mở đã tăng trưởng vượt bậc, bằng 25% tổng số lượng giao dịch qua các kênh phân phối của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Mặt khác, để cung cấp khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã đưa ra các sản phẩm tín dụng online gồm thấu chi online, cấp thẻ tín dụng online. Bên cạnh đó, ngân hàng còn kết nối cho vay phục vụ đời sống dành cho lái xe hay chủ đơn vị cung cấp của đối tác Grab.
Mặt khác, để cung cấp khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã đưa ra các sản phẩm cấp tín dụng online gồm thấu chi online, cấp thẻ tín dụng online. Bên cạnh đó, ngân hàng còn kết nối cho vay phục vụ đời sống dành cho lái xe/chủ đơn vị cung cấp của đối tác Grab.
Giải pháp
Để chăm sóc khách hàng tốt hơn, đồng thời ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản giả mạo luân chuyển dòng tiền, việc làm sạch dữ liệu rất cần thiết.
Từ năm 2022, cùng với việc thực hiện giải pháp căn cước công dân gắn chip cùng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư ra đời đã mở ra nguồn dữ liệu số sạch, nhanh, hiệu quả và chính xác cho các ngân hàng.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã và đang đưa ra các nguyên tắc làm sạch dữ liệu như sau:
Thứ nhất, toàn bộ dữ liệu khách hàng hiện hữu cần được làm sạch để tiến hành xử lý và chuẩn hóa thông tin, trong đó, ưu tiên thực hiện trước đối với các tài khoản khách hàng đang phát sinh giao dịch tài chính. Sau đó, tiến hành phân loại các tài khoản còn lại theo mức độ sạch, gắn tích xanh tài khoản và cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ.
Thứ hai, thực hiện việc làm sạch dữ liệu ngay từ đầu vào, từ khi khách hàng đến giao dịch mở tài khoản. Trong trường hợp khách hàng không sử dụng căn cước công dân gắn chíp để mở tài khoản, ngân hàng sẽ kết nối dữ liệu với Trung tâm dữ liệu Quốc gia để xác thực thông tin và định danh khách hàng. Việc làm này sẽ giúp cho ngân hàng có được kho dữ liệu số khách hàng định danh xác thực đầy đủ.
Thứ ba, Ngân hàng thu thập thông tin sinh trắc học để đảm bảo tính chính xác cao nhất trong quá trình đối chiếu, định danh khách hàng. Việc trùng tên, ngày tháng năm sinh,… khá phổ biến nhưng để trùng khuôn mặt và các thông tin cá nhân của 2 khách hàng là khó xảy ra. Do vậy, khi làm sạch dữ liệu, để đảm bảo xác thực được chính xác khách hàng, trong quá trình giao dịch sử dụng đảm bảo người giao dịch và chủ tài khoản. Và để tránh các trường hợp thuê mướn tài khoản, việc thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học đóng vai trò rất quan trọng. Trước khi tích hợp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã chủ động thu thập dữ liệu số tài khoản của hơn 4 triệu khách hàng hiện hữu và vẫn đang tiếp tục thu thập số tài khoản để làm sạch dữ liệu khách hàng.
Thứ tư, đảm bảo tiện lợi cho khách hàng trong quá trình làm sạch dữ liệu: tận dụng tối đa kênh trực tuyến (online) - vừa tiện dụng, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, khách hàng chủ động xác thực thông tin mà không gây gián đoạn việc sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Thứ năm, làm sạch chủ động: thời gian vừa qua Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã chủ động trong việc làm sạch toàn bộ dữ liệu số. Tuy nhiên, trong trường hợp có phát sinh thay đổi dữ liệu khách hàng như thay đổi địa chỉ, tình trạng công dân, thì Ngân hàng và Trung tâm dữ liệu Quốc gia sẽ xây dựng cơ chế để Trung tâm dữ liệu Quốc gia truyền thông tin mới của khách hàng tới Ngân hàng để cập nhật dữ liệu mới.
Như vậy, bằng việc làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng sẽ giúp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy phát triển các hoạt động tài chính tại ngân hàng. Theo đó:
Một là, giúp Ngân hàng dọn dẹp được các tài khoản rác, các tài khoản được mở bằng giấy tờ tùy thân giả hoặc được thuê mở tài khoản gây khó khăn cho các hoạt động của ngân hàng.
Hai là, giảm thiểu rủi ro tổn thất tài chính tới khách hàng, ngăn chặn tội phạm. Khi tài khoản đã được định danh, xác thực giao dịch bằng số tài khoản thì khi tội phạm đánh cắp được thông tin khách hàng cũng không thể thực hiện được giao dịch tài chính.
Ba là, minh bạch dòng tiền tài chính qua ngân hàng: ngân hàng có thể xác định rõ đối tượng thực hiện chuyển tiền, lưu vết người chuyển tiền, tránh việc thuê mướn người mở tài khoản.
Bốn là, tạo được niềm tin của người dân vào ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt. Việc ngăn chặn được các tội phạm công nghệ trong thanh toán chuyển khoản giúp người dân yên tâm để tiền trong tài khoản và thực hiện giao dịch tài chính thông qua ngân hàng số. Từ đó, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Kết luận
Như vậy, việc kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng làm cho việc mở tài khoản ngày càng dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn. Người dân có thể chủ động mở tài khoản trực tiếp trên ứng dụng của ngân hàng thông qua việc đọc và trả dữ liệu chính xác từ chíp căn cước công dân sẽ giảm thiểu các bước sai sót dữ liệu hay lỗi từ các thiết bị di động. Đồng thời, thông qua hình thức tích hợp trên sẽ giúp giảm thiểu công tác hậu kiểm (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều, …). Từ đó, làm giảm bớt thời gian, chi phí của khách hàng cũng như ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2019). Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về 1 số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
- Chính phủ (2018). Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020). Quyết định số 1345/QĐ-NHNN ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Ban ban hành Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021). Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04 tháng 3 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021). Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.