Một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, kế toán quản trị là lĩnh vực còn mới mẻ. Hiện nay, hệ thống kế toán của nhiều DN mới chỉ chú ý đến kế toán tài chính và kế toán thuế mà chưa quan tâm đến kế toán quản trị.
Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản trị DN nói riêng và khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường nói chung. Bài viết phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các DN Việt Nam và kiến nghị một số vấn đề để đẩy mạnh áp dụng kế toán quản trị trong các DN.
Trong xu thế mở cửa và hội nhập, để đứng vững và phát triển trong cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài, các DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt: vốn, công nghệ, thiết bị và quản trị DN.
Thông qua quản trị, các DN Việt Nam sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, để đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng, lợi nhuận cho DN. Để quản trị hiệu quả, các DN cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ quản trị nói chung và thông tin kế toán quản trị (KTQT) nói riêng để cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác quản trị và ra quyết định.
Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp
Theo Hiệp hội kế toán Mỹ, KTQT là quá trình nhận diện, đo lường và truyền đạt thông tin cho phép phán xét và ra quyết định của người sử dụng thông tin. Theo Luật Kế toán Việt Nam, KTQT là “việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. KTQT là được thiết kế để thoả mãn nhu cầu thông tin của các nhà quản lý và các cá nhân làm việc trong một tổ chức.
Trong điều kiện, hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN cũng như nhà quản trị DN phải sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có như vốn, công nghệ, kiến thức về quản trị để phát huy sức mạnh của DN. KTQT có vai trò cung cấp thông tin cho các nhà quản trị để phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các bước: (1) Xây dựng kế hoạch và lập dự toán; (2) Tổ chức thực hiện; (3) Kiểm tra đánh giá; (4) Ra quyết định.
- Xây dựng kế hoạch và lập dự toán: Lập kế hoạch là xây dựng các mục tiêu phải đạt được và vạch ra các bước để đạt được mục tiêu đó. Các kế hoạch này thường được lập dưới dạng dự toán ngắn hoặc dài hạn. Theo đó, dự toán là sự liên kết các mục tiêu lại với nhau và chỉ rõ cách huy động và sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu. Vì vậy, thông tin kế toán hợp lý và có cơ sở sẽ là yếu tố quyết định để kế hoạch và dự toán có tính hiệu lực và khả thi cao.
- Tổ chức thực hiện: Để đạt được kế hoạch một cách hiệu quả, các nhà quản trị phải biết liên kết tốt các yếu tố giữa tổ chức, con người với nguồn lực lại với nhau và cũng cần có nhu cầu rất lớn đối với thông tin kế toán, đặc biệt là thông tin KTQT. Nhờ có thông tin do KTQT cung cấp mà các nhà quản trị mới có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong quá trình điều hành hoạt động, phù hợp với mục tiêu của DN.
- Kiểm tra, đánh giá: Nhà quản trị sau khi lập kế hoạch đầy đủ và hợp lý, tổ chức thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá thực hiện. Phương pháp thường dùng là so sánh số liệu kế hoạch hoặc dự toán với số liệu thực hiện, từ đó nhận diện các sai lệch giữa kết quả đạt được với mục tiêu đã đề ra. Để làm được điều này nhà quản trị cần được cung cấp các báo cáo thực hiện, có tác dụng như một bước phản hồi giúp nhà quản trị có thể nhận diện những vấn đề cần phải điều chỉnh.
- Ra quyết định: Ra quyết định không phải là một chức năng riêng biệt mà là sự kết hợp cả ba chức năng lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá. Phần lớn những thông tin do KTQT cung cấp nhằm phục vụ chức năng ra quyết định ngắn hạn (như kết hợp sản phẩm tối ưu, mua bán, cho thuê hoặc mua, định giá sản phẩm, ngưng sản phẩm…) và các quyết định dài hạn (như lập ngân sách vốn, tài trợ dự án…) KTQT sẽ thực hiện các nghiệp vụ phân tích chuyên môn và chọn lọc những thông tin cần thiết, thích hợp rồi tổng hợp, trình bày chúng theo một trình tự dễ hiểu nhất và giải thích quá trình phân tích đó cho các nhà quản trị, từ đó giúp các nhà quản trị lựa chọn, ra quyết định thích hợp.
Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị
Dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ và ảnh hưởng của một số yếu tố ngẫu nhiên đến việc áp dụng KTQT trong các DN như sau:
Áp lực cạnh tranh
Áp lực cạnh tranh thể hiện bằng sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường cung cấp vật liệu, tuyển dụng lao động, bán sản phẩm. Để tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh, các DN phải chú ý đến hiệu quả, từ đó chú ý đến các thông tin hỗ trợ ra quyết định. Hệ thống KTQT có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định. Nâng cao năng suất, chất lượng và tối thiểu hóa chi phí buộc các DN phải áp dụng các kỹ thuật KTQT mới (Kaplan, 1983). Cũng theo Kaplan (1986), “hệ thống kế toán chi phí hiện tại không đáp ứng được nhu cầu thông tin hữu ích cho hoạt động sản xuất, do vậy cần phải thay đổi để đáp ứng sự cạnh tranh ngày càng tăng”.
Vì thế, mối quan hệ giữa áp lực cạnh tranh trên thị trường với việc áp dụng KTQT trong các DN đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nghiên cứu của các tác giả Sulaiman và cộng sự (2004), Halma và Laats (2002), Bruns và Kaplan (1991), Luther và Longden (2001), Karanja và cộng sự (2013), Sulaiman và cộng sự (2015), Ahmad, K. (2012), Doan Ngoc Phi Anh (2012), Ahmad, K. và cộng sự (2015), (Leite, 2015), Kariuki, S. N. (2016) đều cho rằng, cạnh tranh ngày càng tăng dẫn đến các DN phải sử dụng nguồn lực và ra quyết định hiệu quả hơn, từ đó làm phát sinh nhu cầu thông tin phục vụ quản trị DN. Do vậy, các phương pháp KTQT được các DN tích cực áp dụng để đáp ứng nhu cầu này. Kết quả nghiên cứu của Libby & Waterhouse (1996), Granlund & Lukka (1998), Mia & Clarke (1999), Al-Omiri & Drury (2007), (Sulaiman, 2015), (Leite, 2015) cũng cho thấy, áp lực cạnh tranh trên thị trường có ảnh hưởng tích cực đến mức độ áp dụng KTQT của các DN.
Sự phân quyền
Phân quyền được Chenhall và Morris (1986) định nghĩa là mức độ giao quyền tự chủ cho các nhà quản trị cấp dưới. Việc phân quyền đem lại cho các nhà quản trị trách nhiệm lớn hơn trong việc lập kế hoạch, kiểm soát các hoạt động và quyền truy cập thông tin (Chenhall, 1986).
Sự phân quyền trong DN thể hiện qua việc nhà quản trị cấp cao phân quyền cho cấp dưới trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động trong phạm vi trách nhiệm của họ. Phân quyền trong DN là cơ sở để hình thành hệ thống kế toán trách nhiệm. Tâm trách nhiệm được hình thành dựa trên quyền và trách nhiệm nhiệm của nhà quản trị đứng đầu trung tâm. Các nhà quản trị được đánh giá và khen thưởng dựa trên kết quả hoạt động của trung tâm do họ kiểm soát. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm, các nội dung và kỹ thuật KTQT như lập dự toán, báo cáo bộ phận, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm cần được áp dụng (Chenhall & Morris, 1986), (Libby, 1996, 137-150), (Williams & Seaman, 2001), (Soobaroyen & Poorundersing, 2008). Như vậy, phân quyền là một yếu tố thúc đẩy các nhà quản trị việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để làm phát sinh các nhu cầu thông tin phục vụ lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hiệu quả và ra quyết định.
- Theo Luật Kế toán Việt Nam, kế toán quản trị là “việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Kế toán quản trị là được thiết kế để thoả mãn nhu cầu thông tin của các nhà quản lý và các cá nhân làm việc trong một tổ chức.
Các DN phân quyền thành công thường thiết kế hệ thống KTQT để cung cấp thông tin phù hợp cho các nhà quản trị trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định (Abdel-Kader, 2008). Abdel-Kader (2008), Doan (2012, 2016) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa phân quyền với việc áp dụng KTQT trong các DN ở Anh (Abdel-Kader, 2008) và ở Việt Nam (Doan Ngoc Phi Anh, 2012, 2016). Kết quả nghiên cứu của Abdel-Kader (2008) cho thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa phân quyền trong DN với việc áp dụng KTQT trong các DN Anh (Abdel-Kader, 2008). Tuy nhiên, Williams, J. J., & Seaman, A. E. (2001) lại phát hiện ra mối quan hệ tiêu cực giữa phân quyền và áp dụng KTQT.
Quy mô doanh nghiệp
Quy mô DN là nhân tố được nhiều tác giả quan tâm khi nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến việc áp dụng KTQT. Các công trình nghiên cứu của Joshi (2001), Haldma & Laats (2002), Szychta (2002), Alattar et al. (2009), Sulaiman và cộng sự (2004), Pierce và O’Dea (1998), Karanja và cộng sự (2013), Abdel-Kader và Luther (2006), Abdel-Kader và cộng sự (2008), Ahmad, K. (2012), Doan Ngoc Phi Anh (2012), Albu, N. và cộng sự (2012), Pollanen và Abdel-Maksoud (2010) (Leite, 2015) đều coi quy mô là một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến việc áp dụng KTQT trong các DN. Các DN quy mô lớn thường có nhu cầu thông tin quản trị nhiều hơn cũng như có tiềm lực tài chính để áp dụng KTQT. Tại các nước phương Tây, việc sử dụng phương pháp kế toán chi phí dựa trên hoạt động thường gắn liền với quy mô DN (Chenhall và Langfield-Smith, 1998); các công ty lớn thường coi trọng thông tin chi phí hơn (Hoque, 2000). Kết quả nghiên cứu của Pierce & O’Dea (1998) cho thấy, các DN quy mô lớn có mức độ áp dụng KTQT cao hơn so với các DN có quy mô nhỏ (Pierce, 1998). Bruns & Waterhouse (1975) và Merchant (1981) đều cho rằng, quy mô DN là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ thống KTQT của DN, đặc biệt là hệ thống kiểm soát và đánh giá. Merchant cho rằng, hệ thống kiểm soát bằng dự toán trong các DN có quy mô lớn tốt hơn trong các DN quy mô nhỏ. Nghiên cứu của Al-Omiri và Drury (2007) cũng đưa ra kết luận, quy mô DN có ảnh hưởng đáng kể đến việc áp dụng phương pháp hạch toán chi phí theo hoạt động trong các DN. Theo nghiên cứu của Abdel-Kader và Luther (2008), các DN lớn với nguồn lực dồi dào hơn sẽ dễ dàng tiếp cận và áp dụng KTQT. Nghiên cứu của Otley (1995); Haldma và Laats (2002) cũng cho kết quả tương tự (Abdel-Kader, 2008).
Quy mô DN tăng thường gắn với sự kiểm soát chặt chẽ về môi trường và sự gia tăng các nguồn lực của tổ chức, cũng như việc tăng cường sử dụng các phương pháp kiểm soát. Các công trình nghiên cứu được tiến hành ở các nước phát triển cũng đã chứng minh rằng, các DN lớn thường tăng cường sử dụng các phương pháp KTQT phức tạp hơn (Chenhall, 2007). Tuy nhiên, nghiên cứu của Pollanen (2010) lại đưa ra một số ngoại lệ, quy mô của các DN vừa và lớn không phải là yếu tố chính tác động đến mức độ áp dụng KTQT trong các DN sản xuất Canada (Pollanen, 2010). Tương tự, nghiên cứu của Van Triest và Elshahat (2007) cũng không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa quy mô DN với các đặc tính của hệ thống hạch toán chi phí (Triest, 2007).
Tỷ lệ sở hữu của các thành viên chuyên nghiệp
Pollanen (2010) phát hiện ra rằng, tỷ lệ sở hữu của các thành viên chuyên nghiệp lại trái ngược với mức độ áp dụng KTQT. Giải thích cho hiện tượng này, Pollanen (2010) cho rằng, trình độ chuyên môn cao của quản lý đã làm giảm vai trò của KTQT, do vậy, ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng KTQT trong các DN (Pollanen, 2010). Ngoài nghiên cứu của Pollanen (2010), các nghiên cứu của Pierce và O’Dea (1998), Wu, Boateng và Drury (2007), Wu và cộng sự (2007), Sulaiman et al. (2015), Ahmad, K. (2012), Doan Ngoc Phi Anh (2012), Ahmad, K. và cộng sự (2015) cũng đề cập đến yếu tố chủ sở hữu và tỷ lệ sở hữu của các bên trong DN.
Công nghệ thông tin
Trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật và công nghệ, công nghệ thông tin có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Tác động của công nghệ thông tin đến KTQT cũng không phải là một ngoại lệ. Các nghiên cứu của Efendi và cộng sự (2006), Granlun và Mouritsen (2003), Lippolis và Romanazzi (2005), O’ Mahony và Doran (2008) cho thấy, công nghệ thông tin có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống KTQT và việc áp dụng KTQT trong các DN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và máy tính vào KTQT làm cho thông tin được cung cấp kịp thời, phù hợp và hữu ích hơn (Abdel-Kader, 2006). Nghiên cứu của Halbouni (2014) cũng cho thấy, 71,5% số người được hỏi tin rằng, công nghệ thông tin có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi của KTQT (Halbouni, 2014).
Công nghệ sản xuất
Dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên, một số tác giả cho rằng, công nghệ sản xuất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT trong các DN. Các DN áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến thường cũng chú ý đến các phương pháp KTQT hiện đại (Ahmad, K. 2012). Chứng minh quan điểm này, một số tác giả đã chọn công nghệ sản xuất là một biến độc lập trong mô hình nghiên cứu của mình như: Halma và Laats (2002), Karanja và cộng sự (2013), Sulaiman và cộng sự (2015), Mat, T. Z. (2010), Ahmad, K. (2012), Doan Ngoc Phi Anh (2012) và Leite, A. và cộng sự (2015). Nghiên cứu của các tác giả Halma và Laats (2002), Karanja và cộng sự (2013), Sulaiman và cộng sự (2015), Mat, T. Z. (2010), Ahmad, K. (2012), Doan Ngoc Phi Anh (2012) và Leite, A. và cộng sự (2015) đã chỉ ra công nghệ sản xuất có ảnh hưởng tích cực đến việc áp dụng KTQT trong các DN. Kết quả nghiên cứu của Abdel-Kader và Luther (2008) đưa ra kết luận, các DN có công nghệ sản xuất tiên tiến thường ưa thích áp dụng KTQT hiện đại (Abdel-Kader, 2008).
Sự quan tâm của nhà quản trị đến kế toán quản trị
Nhà quản trị là người trực tiếp sử dụng thông tin KTQT để ra quyết định, do vậy nhu cầu sử dụng thông tin của nhà quản trị có ảnh hưởng quan trọng đến việc vận dụng KTQT trong các DN. Ngoài nhu cầu thông tin, sự ủng hộ của nhà quản trị trong việc tiếp cận các kỹ thuật KTQT mới và vận dụng vào DN cũng là nhân tố tích cực ảnh hưởng đến sự vận dụng KTQT trong DN. Kết quả nghiên cứu của Shields, (1998), Brown (2004), Sulaiman và cộng sự (2003), Karanja và cộng sự (2013), Abdel-Kader và Luther (2008), Sulaiman và cộng sự (2015), Halbouni và cộng sự(2014), Pollanen và Abdel-Maksoud (2010), Abdel-Kader (2008) cho thấy, sự quan tâm của nhà quản trị có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ áp dụng KTQT trong các DN.
Trình độ nhân viên kế toán quản trị
Trong môi trường toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kiến thức có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thành công của DN (Yang và cộng sự, 2006). Nhân viên KTQT phải thường xuyên cập nhật các kiến thức và kỹ thuật mới, vận dụng để thiết kế hệ thống, xây dựng và thực hiện hệ thống kế toán chi phí phù hợp nhằm hỗ trợ cho các nhà quản trị trong việc ra quyết định (Kaplan, 1995). Wu và Boateng (2010) phát hiện ra mối quan hệ giữa trình độ nhân viên kế toán với sự thay đổi của hệ thống KTQT (Wu, 2010). Tuy nhiên, Halbouni (2014) lại không tìm thấy mối quan hệ giữa trình độ của nhân viên kế toán với sự thay đổi của hệ thống KTQT (Halbouni, 2014).
Trong môi trường cạnh tranh, KTQT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà quản trị ra các quyết định hiệu quả. Tăng cường hệ thống KTQT trong các DN nhằm hỗ trợ thông tin cho các nhà quản trị ra các quyết định là điều kiện cần thiết để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh của các DN. Do vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố ngẫu nhiên đến việc áp dụng KTQT trong các DN để có các chính sách tác động phù hợp giúp cho hệ thống KTQT trong các DN được hoàn thiện trở thành yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- Abdel-Kader, M. (2006). "Management accounting practices in the British food and drinks industry." British Food Journal Vol. 108 No. 5, 2006 pp. 336-357 Emerald Group Publishing Limited 0007-070X DOI 10.1108/00070700610661321;
- Ahmad, K. (2012). The use of management accounting practices in malaysian smes, University of Exeter. Doctor;
- Al-Omiri, M., & Drury, C. (2007). A survey of factors influencing the choice of product costing systems in UK organizations. Management Accounting Research, 18(4), 399-424. doi: 10.1016/j.mar.2007.02.002;
- Anh, D. N. P. (2016). Factors Affecting the Use and Consequences of Management Accounting Practices in A Transitional Economy: The Case of Vietnam. Journal of Economics and Development, 18(1), 54-73;
- Chenhall, R.H. & Langfield-Smith, K. (1998). The relationship between strategic priorities, management techniques and management accounting: an empirical investigation using a systems approach. Accounting, Organisations and Society, 23, 243-264;
- Halbouni, S. S. (2014). An empirical study of the drivers of management accounting innovation: a UAE perspective. International Journal of Managerial and Financial Accounting, 6(1);
- Joshi, P. L. (2001). The international diffusion of new management accounting practices: the case of India. Journal of International Accounting, Auditing & Taxation 10 (2001) 85–109;
- Kaplan, Robert S. and Norton, David P; "The Balanced Scorecard: Measures That Drive Performance", Harvard Business Review, Jan/Feb 1992;
- Leite, A. A., Fernandes, P. O., & Leite, J. M. (2015). Contingent factors that influence the use of management accounting practices in the Portuguese textile and clothing sector. The International Journal of Management Science and Information Technology, Special Issue: 2015 Spanish-Portuguese Scientific Management Conference (59 - 78).