Chính sách bảo hiểm tiền gửi:

Một số nội dung cơ bản người gửi tiền nên biết (kỳ 2)

BHTGVN.

Mục đích cơ bản và cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Để được pháp luật bảo vệ tốt nhất, người gửi tiền cần biết những nội dung cơ bản về BHTG. Mời độc giả tiếp tục cùng tìm hiểu những thông tin này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khi hai hay nhiều tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hợp nhất hoặc sáp nhập thì tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại các tổ chức này được bảo hiểm như thế nào?

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG hợp nhất, tiền gửi của người được BHTG vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG là tổ chức mới được hình thành sau hợp nhất.

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG (sau đây gọi là tổ chức bị sáp nhập) sáp nhập vào một tổ chức tham gia BHTG khác (sau đây gọi là tổ chức nhận sáp nhập): tiền gửi của người được BHTG tại tổ chức bị sáp nhập vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức nhận sáp nhập.

Nếu tổ chức tham gia BHTG sau sáp nhập hay hợp nhất đó được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo hạn mức hiện hành tối đa là 125 triệu đồng mỗi cá nhân.

Nếu một khoản tiền gửi được nhiều người cùng sở hữu chung thì số tiền bảo hiểm sẽ được tính như thế nào?

Tại Khoản 2, Điều 25 Luật BHTG, số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được quy định như sau:

- Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia BHTG bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;

Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia BHTG. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 125 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.

- Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia BHTG thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia BHTG. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 125 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.

Ngoài thẻ tiết kiệm trên, nếu người A có một thẻ tiền gửi cá nhân khác tại tổ chức tham gia BHTG đó thì số tiền bảo hiểm được trả cho thẻ tiền gửi riêng của người A và số tiền được phân chia cho người A theo thoả thuận 2 bên không được vượt quá 125 triệu đồng.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người được bảo hiểm tiền gửi như thế nào?

BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được BHTG thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tiền gửi của người được BHTG. Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền bao gồm:

(1) BHTGVN theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý hành vi vi phạm.

(2) BHTGVN tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

(3) BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.

(4) Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật.

(5) BHTGVN tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Tiền gửi của người không cư trú ở Việt Nam có được bảo hiểm không?

Theo Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11, “người cư trú” được hiểu là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau:

a) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các TCTD;

b) Tổ chức kinh tế không phải là TCTD được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

d) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;

g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

h) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;

i) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.”

“Người không cư trú” là tổ chức, cá nhân không thuộc các đối tượng nêu trên.

Tiền gửi cá nhân bằng đồng Việt Nam của người không cư trú tại Việt Nam tại các tổ chức tham gia BHTG phù hợp với các quy định tại Điều 18, Luật BHTG thì được bảo hiểm.

Điều 18, Luật BHTG nêu: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này".

Tìm hiểu Kỳ 1 tại đây.