Chính sách bảo hiểm tiền gửi:

Một số nội dung cơ bản người gửi tiền nên biết (kỳ 3)

BHTGVN.

Mục đích cơ bản và cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Để được pháp luật bảo vệ tốt nhất, người gửi tiền cần biết những nội dung cơ bản về BHTG. Mời độc giả tiếp tục cùng tìm hiểu những thông tin này.

Phí bảo hiểm tiền gửi là gì? Việc nộp phí bảo hiểm tiền gửi do ai thực hiện? Mức phí là bao nhiêu?

Khoản 5 điều 4 Luật bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định: phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là khoản tiền mà tổ chức nhận tiền gửi đóng góp để bảo hiểm cho khoản tiền gửi của đối tượng có tiền gửi được bảo hiểm theo quy định.

Theo Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP và Thông tư số 03/2006/TT-NHNN ngày 25/04/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện các nghị định trên; khoản 2 Mục I, công văn số 397/CV-BHTG8 ngày 11/8/2006 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về việc hướng dẫn tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi,  tổ chức tham gia phải nộp phí BHTG với mức là 0,15% tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân.

Phí BHTG được quản lý, sử dụng như thế nào?

Theo Luật BHTG, Thông tư số 312/2016/TT-BTC và Thông tư 20/2020/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với BHTGVN, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN được hình thành từ các nguồn sau: Tiền thu phí BHTG hàng năm; thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để trang trải chi phí hoạt động của BHTGVN theo quy định; các khoản tiền bảo hiểm không có người nhận theo quy định; số tiền còn lại (nếu có) từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định; chênh lệch thu chi tài chính còn lại hàng năm sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định; và thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, phí BHTG do các tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được đưa vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Theo Thông tư 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính của BHTGVN, toàn bộ phí BHTG do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động để thanh lý hoặc tòa án có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản.

Bên cạnh nghiệp vụ chi trả BHTG, BHTGVN còn được phép sử dụng Quỹ dự phòng nghiệp vụ để cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Luật BHTG (khoản 13 Điều 13), Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 6/7/2021 (thay thế Thông tư số 01/2018/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt và các văn bản hướng dẫn của BHTGVN.

Từ khi thành lập đến nay, quy mô Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tính đến ngày 30/6/2022, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đạt 82 nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực tài chính tăng trưởng khá được bồi đắp hàng năm, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; đồng thời góp phần gia tăng niềm tin của người dân đối với các tổ chức nhận tiền gửi.

Nếu vi phạm quy định về đóng phí bảo hiểm tiền gửi thì bị xử lý thế nào?

Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 20, khoản 4 (Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp), ngoài việc nộp đủ số phí còn thiếu thì phải chịu phí nộp thiếu, nộp chậm, cụ thể:

(1) Chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

(2) Trường hợp tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện.

(3) Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lý.

(4) Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí theo quy định tại khoản 3 Điều này lần thứ hai, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Như vậy, khi người được bảo hiểm gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức này phải đóng một khoản phí cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho số tiền nói trên.