Mua bán nợ xấu “tắc” bởi cơ chế
(Tài chính) Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng có nhu cầu mua bán nợ xấu để vượt khó trong quá trình sản xuất kinh doanh, tránh bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí là tái cơ cấu… Dù vậy, nhu cầu này khó thành hiện thực khi cơ chế, chính sách còn đầy rẫy bất cập.
Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đang dần hình thành như một tất yếu khách quan của phát triển kinh tế. Thực tế, hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2003 với sự ra đời và hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) - Bộ Tài chính (DATC) theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 6/2013, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
VAMC chính thức bắt đầu mua nợ xấu từ ngày 1/10/2013, đến cuối năm 2013, công ty đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt.
Năm 2014, dự kiến VAMC sẽ tiếp tục mua thêm khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, làm thế nào để bán, xử lý được khoản nợ chứ không phải chỉ mua về để đấy. Do đó, ngoài việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC tính toán xây dựng đề án mua nợ theo giá thị trường - khoản nợ sẽ được mua hẳn, bán hẳn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho thấy, việc mua bán nợ xấu sẽ diễn ra sôi nổi hơn, với quy mô lớn hơn từ nay đến hết quý II do 1/6/2014 là thời điểm áp dụng Thông tư 02 về việc phân loại nợ theo hướng chặt chẽ hơn. Đối với khoản nợ xấu VAMC dự kiến mua trong năm nay - vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở việc VAMC có thể xử lý (bán, tái cơ cấu) các khoản nợ xấu này sau đó hay không và thời gian xử lý trong bao lâu.
Hệ lụy từ việc mua nợ giá thấp
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động mua bán nợ đang gặp nhiều bất cập. Trước hết, mua bán nợ trên thị trường cơ chế xử lý có nhiều điểm không rõ ràng, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về định giá các khoản nợ để bán. Có quá ít công ty mua nợ dẫn tới tình trạng độc quyền mua, điều này đã làm hạn chế sự phát triển của thị trường và tác động đến nhu cầu muốn bán nợ. Ngoài ra, chưa có cơ chế tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này.
Từ ngày 1/6/2014, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ phải công khai các quy định nội bộ về mua bán và xử lý nợ xấu. Không chỉ vậy, khi mua nợ xấu từ tổ chức tín dụng hay bán nợ xấu và tài sản đảm bảo đều phải công bố thông tin hàng quý. Bên cạnh đó, VAMC cũng phải báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm đã được kiểm toán chậm nhất vào ngày 31/1 của năm kế tiếp.
Quy định tại Thông tư số 39/2004/TT-BTC ngày 11/5/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của DN như sau: Hoạt động mua bán nợ được thực hiện dưới 2 hình thức: mua bán nợ theo thoả thuận và mua bán nợ theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc có ít hình thức mua bán sẽ hạn chế sự phát triển của thị trường.
Về phía DN, ông Phan Hoài Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý đầu tư DATC khẳng định: Cơ chế cho vay hiện chưa tạo động lực để DATC hỗ trợ các DN tái cơ cấu. Trên thực tế, các DN buộc phải bán nợ có tình hình tài chính rất bi bét, không có vốn lưu động để hoạt động. Việc chuyển nợ thành vốn góp của các nhà đầu tư, trong đó có DATC, cũng không tạo ra dòng tiền lưu động cho DN triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Dối với VAMC, khó khăn cũng đang chờ sẵn. VCBS cho rằng, hiện tại, vẫn còn một số rào cản đối với việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trong đó, bên cạnh việc một số ngân hàng có thể không muốn bán nợ xấu cho VAMC, “nút thắt” đối với khả năng xử lý nợ xấu của VAMC còn nằm ở vấn đề thu hồi khoản nợ đã mua.
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cần thống nhất trong việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản nợ để làm cơ sở đàm phán giữa bên mua và bên bán. Bởi hiện tại, trong giao dịch mua bán nợ, sự chênh lệch lớn giữa giá chào mua và giá chấp nhận bán làm kéo dài thời gian đàm phán và dẫn đến thất bại trong giao dịch.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường mua bán nợ và việc tái cấu trúc nền kinh tế. DN sau khi được mua bán sẽ được đầu tư vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến khi có đủ điều kiện, chủ nợ mới sẽ tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đưa DN lên niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hồi vốn. Đây là cách phổ biến được các nước phát triển áp dụng để xử lý nợ xấu.
TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ. Với nguồn vốn lớn và kinh nghiệm hàng chục năm phát triển thị trường mua bán nợ, các nhà đầu tư ngoại sẽ là một trong những đối tác tham gia hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, cần rà soát và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, về quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các tổ chức tín dụng.