Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục và tăng trưởng bền vững hơn
Năm 2023, dù được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức và biến động, song vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hồi phục và tăng trưởng bền vững hơn.
TTCK Việt Nam đã trải qua một năm biến động rất lớn cả về điểm số lẫn thanh khoản trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, trong đó có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước lớn để kiềm chế lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu.
Do vậy, Chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử mới với 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022 nhưng chỉ còn 1.007,09 điểm tại phiên ngày 30/12/2022. Giá trị vốn toàn thị trường ước đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP...
Đánh giá về thách thức, nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2023, nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các yếu tố như xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều đánh giá lạc quan về tiềm năng hồi phục và tăng trưởng trở lại của TTCK Việt Nam. Nhận định này được dựa trên các cơ sở như: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới; kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan...
Chia sẻ thêm về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trong xu thế phát triển, nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng đi lên và trật tự hơn, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền lưu thông tốt trong nền kinh tế.
“Cốt lõi của nền kinh tế vẫn là làm thế nào để sản xuất kinh doanh phát triển, năng lực của doanh nghiệp tốt hơn. Đây cũng là điều kiện để thị trường chứng khoán chúng ta sẽ phát triển tốt hơn” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích.
Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cũng cho rằng, năm 2023, áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần. Tỷ giá có chuyển biến tích cực, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các tổ chức tài chính, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào cuối năm. Định giá P/E hiện tại vào khoảng 12 lần, trong khi Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn (khoảng 16 lần). Chỉ số ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của VN-Index đạt khoảng 15%, cao hơn mức 9 – 10% của các nước trong khu vực.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản... Những động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường tính minh bạch cho TTCK Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch, đặc biệt đây là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.
Thực tế cho thấy, năm 2022, dù thị trường biến động khá mạnh song khối ngoại vẫn mua ròng. Theo số liệu của HOSE, trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Khối ngoại đã thực hiện mua ròng trong năm với giá trị hơn 23.604 tỷ đồng...