Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách từ cải cách hành chính
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, năm 2024, Bộ Tài chính đã gắn cải cách bộ máy với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Tài chính và đạt nhiều kết quả tích cực; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.
Rà soát, bãi bỏ 68 thủ tục hành chính
Để triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, từ cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tiếp tục bám sát 7 nội dung của yêu cầu công tác cải cách hành chính, đề ra 65 nhóm nhiệm vụ với 146 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như quy định tiến độ thực hiện rõ ràng.
Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 146/146 nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ; rà soát, bãi bỏ 68 thủ tục hành chính (TTHC), sửa đổi, bổ sung, thay thế 54 TTHC và ban hành mới 22 TTHC trong các lĩnh vực quản lý; cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định đối với 747/747 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã thực thi được 11/42 phương án đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã thực thi 11/18 phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trong lĩnh vực công sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước; đã thực thi 13/46 phương án phân cấp trong giải quyết TTHC; đã thực thi 32/71 phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ với 89,18%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý tài chính - ngân sách
Cùng với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính, năm 2024, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính - ngân sách.
Đánh giá về công tác chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý nhà nước, tại Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Các nền tảng công nghệ số được triển khai không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng hơn cho doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, trong năm qua, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 747, trong đó 347 DVCTT toàn trình, có 108 DVCTT một phần; 292 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích hợp 284 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Điển hình như: Trong lĩnh vực thuế, ngành Thuế đã tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử; đã xử lý trên 15 triệu hồ sơ của hơn 952 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%).
TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, trong lĩnh vực số hóa, ngành Thuế đã triển khai ứng dụng Etax Mobile, cung cấp dịch vụ thuế điện tử thuận tiện cho người nộp thuế cá nhân, với hơn 4,5 triệu người dùng đăng ký tính đến năm 2024. Việc tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ giải đáp thắc mắc thuế đã giúp xử lý nhanh hơn 70% yêu cầu từ doanh nghiệp, so với mức trước đây vào năm 2021. Ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số với việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử từ năm 2022 theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử, không chỉ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí in ấn và lưu trữ, mà còn tăng cường minh bạch trong các giao dịch kinh tế. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực cải thiện dịch vụ của ngành Thuế.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022. Đến nay đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công với số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho Nhà cung cấp nước ngoài.
Theo thống kê, đến hết tháng 12/2024 là khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng; kết nối dữ liệu thuế với dữ liệu dân cư định danh điện tử. Số lượng sàn thương mại điện tử gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan thuế là 436 sàn, tương ứng với 2,4 nghìn lượt nộp hồ sơ...
Hay như trong lĩnh vực hải quan, ngành Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại các đơn vị hải quan thông qua Hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển... Kết nối 13 bộ, ngành với 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 75,4 nghìn doanh nghiệp.
Cùng với đó, ngành Hải quan đã duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN...
Theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, thời gian dành cho tuân thủ thuế tại Việt Nam đã giảm từ 384 giờ/năm vào năm 2016 xuống còn 189 giờ/năm vào năm 2023. Đây là kết quả của những nỗ lực liên tục trong việc đơn giản hóa TTHC và tăng cường tính minh bạch.