Nâng hạng thị trường: Tác động lớn tới cổ phiếu bluechips, tăng quy mô giao dịch từ định chế nước ngoài
Theo chuyên gia, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi, Việt Nam sẽ đón dòng vốn ngoại khoảng 1-1,5 tỷ USD. Nếu được nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi bởi MSCI, con số sẽ là thêm 3-5 tỷ USD.
Quan điểm này được ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) chia sẻ khi trao đổi với Tạp chí Tài chính xoay quanh chủ đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về nỗ lực của chúng ta trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như việc đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Có thể nói, nâng hạng thị trường chứng khoán được Chính phủ xem là mục tiêu trọng tâm trong phát triển thị trường 2 - 3 năm tới, với quyết tâm lớn nhất từ trước tới nay.
Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan đang rốt ráo triển khai các bước tiến tới đầu tiên là đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của tổ chức FTSE. Như sắp tới, việc hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn các quy định về giao dịch ký quỹ, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của khối ngoại… sẽ được cụ thể hơn. Đây là bước đáp ứng đầu đủ các tiêu chí của FTSE.
Hy vọng trong kỳ đánh giá của mình vào tháng 9 tới, FTSE sẽ đánh giá cao nỗ lực này của chúng ta, đưa Việt Nam vào danh sách xem xét và có thể nâng hạng trong năm 2025.
Với tiến trình nâng hạng theo tiêu chí của tổ chức MSCI thì có nhiều điều kiện cao hơn. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu 8 tiêu chí trong bộ hơn 20 tiêu chí của tổ chức này. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhiều thời gian hơn để cải thiện các tiêu chí đó, hướng tới năm 2026 mới được xem xét đưa vào danh sách nâng hạng.
Phóng viên: Nhận định của ông về khả năng thu hút dòng vốn ngoại nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường lên mới nổi?
Thông thường, trước 1 năm được nâng hạng là thời điểm thị trường hút dòng tiền đầu cơ, đầu tư chủ động, dòng tiền từ chính các quỹ ETF tham chiếu theo chỉ số của các tổ chức nâng hạng, ở đây là FTSE.
Sau khi chính thức nâng hạng, dòng tiền ETF tham chiếu theo chỉ số FTSE mới thực sự hành động, giải ngân theo cấu trúc tỷ lệ của thị trường, đưa ra các nhóm cổ phiếu được lựa chọn. Nâng hạng thị trường sẽ tác động lớn tới cổ phiếu bluechips của Việt Nam, thị trường được hưởng lợi, tăng quy mô giao dịch từ định chế nước ngoài.
Nhiều phân tích từ các tổ chức lớn chỉ ra, nếu được FTSE đưa vào danh sách và nâng hạng thị trường thì chúng ta sẽ đón dòng vốn từ 1-1,5 tỷ USD. Sau khi được FTSE nâng hạng, nếu đáp ứng được các điều kiện và được xem xét nâng hạng bởi MSCI trong vòng 1-2 năm thì dòng vốn đổ vào thị trường còn lớn hơn rất nhiều. Vì rổ danh mục của MSCI rất lớn, các quỹ tham chiếu danh mục tổ chức này lên tới hàng trăm tỷ USD, Việt Nam có thể đón thêm dòng vốn 3-5 tỷ USD nữa.
Phóng viên: Ông có nhìn nhận gì về sự chuẩn bị, hoàn thiện của các thành viên thị trường nhằm đón cơ hội từ nâng hạng?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, cũng phải kể đến các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết. Công ty chứng khoán chính là bên sẽ cung cấp dịch vụ pre-funding của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới khi thông tư hướng dẫn cụ thể được ban hành. Các đơn vị này tham gia sâu vào quá trình phục vụ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoại, góp vai trò quan trọng giải quyết câu chuyện điều kiện để được nâng hạng.
Với quỹ đầu tư, nếu như trước đây chỉ thấy ETF ngoại thì nay ETF nội cũng ngày càng lớn. Hy vọng thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cởi mở hơn trong việc cho phép thành lập các quỹ đầu tư mới, theo đó sẽ thu hút dòng vốn từ tổ chức trong và ngoài nước, chuẩn hóa mô hình để hoạt động. Chắc chắn, việc mở rộng được lượng nhà đầu tư tổ chức sẽ giúp thị trường ngày càng phát triển ổn định, chuyên nghiệp hơn.
Về doanh nghiệp niêm yết, trong mỗi giai đoạn phát triển của thị trường, đặc biệt thời gian gần đây các doanh nghiệp tỏ ra nhanh nhạy trong việc hoàn thiện, nâng cao vị thế quy mô vốn của mình. Thị trường Việt tuy còn non trẻ, quy mô còn nhỏ so với nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp hiện nay có nhiều ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, công ty chứng khoán tăng quy mô. Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc đáp ứng cơ hội đầu tư của khối ngoại vào doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao, tuân thủ quy định pháp luật…
Phóng viên: Vậy, với riêng CSI đã có những bước chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Với CSI, chúng tôi có vị trí, vai trò là tổ chức trung gian trong kết nối đầu tư dòng vốn từ các quốc gia có gốc tiếng Trung vào thị trường Việt như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan. Chúng tôi nỗ lực trong việc giới thiệu thị trường chứng khoán Việt Nam ra quốc tế thông qua các cá nhân, tổ chức tại các quốc gia này. CSI cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ, liên tục nâng cao yếu tố công nghệ, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sắp tới, sau khi cơ quan quản lý ban hành thông tư hướng dẫn quy định mới, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào việc cung cấp dịch vụ pre-funding tới nhà đầu tư nước ngoài tạo không gian giao dịch tốt hơn, đáp ứng tiêu chí nậng hạng của FTSE.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!