Phát triển tài chính cá nhân của hộ gia đình ở nông thôn thông qua quỹ tín dụng nhân dân

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 5/2020

Từ năm 1993 đến nay, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân được thành lập theo mô hình mới, hoạt động theo cả Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã, đang khẳng định vai trò quan trọng cung cấp dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình ở nông thôn. Bài viết nghiên cứu vai trò của hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trong phát triển tài chính cá nhân của các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, làm rõ thực trạng, xu hướng phát triển và khuyến nghị giải pháp.

Mô hình Quỹ tín dụng nhân dân là một thành công của Chính phủ Việt Nam về phát triển, đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng.
Mô hình Quỹ tín dụng nhân dân là một thành công của Chính phủ Việt Nam về phát triển, đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng.

Nhu cầu thực tế và sự phát triển của các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở theo mô hình mới

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sôi động hiện nay, các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) đang cạnh tranh mạnh mẽ nhằm thu hút khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng bán lẻ, phát triển tài chính cá nhân với các phương thức ngày càng phù hợp hơn, chi phí hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng cho tất cả người dân ở mọi miền của đất nước. Tuy nhiên, tại nhiều vùng nông thôn, các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty tài chính tiêu dùng chưa vươn tới do chi phí phát triển mạng lưới tốn kém, phương thức và thời gian giao dịch chưa phù hợp.

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) theo mô hình mới khác với hợp tác xã tín dụng (HTXTD) ở các điểm sau:

- QTDND được thành lập do các thành viên của QTDND góp vốn cổ phần thường xuyên và cổ phần xác lập, được chia cổ tức hàng năm theo vốn góp vào QTDND. QTDND chỉ được cho vay vốn các hộ thành viên, chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 xã, 1 phường, trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hoạt động liên xã, liên phường.

- QTDND có bộ máy chặt chẽ, bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành. Chủ tịch HĐQT QTDND không được kiêm giám đốc. Giám đốc tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp đại học về kinh tế.

- QTDND được thành lập theo mô hình 3 cấp: QTD Trung ương, QTD khu vực và QTDND cơ sở. Sau đó, hình thành 2 cấp: Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) và QTDND cơ sở. Hai cấp này hoạt động theo nguyên tắc liên kết, tương hỗ, hạch toán độc lập.

- QTDND hoạt động theo Luật TCTD và Luật HTX, chịu sự giám sát và quản lý nhà nước của (NHNN).

Các điều kiện tiền đề cho sự ra đời và phát triển của QTDND cơ sở đáp ứng nhu cầu tài chính toàn diện cá nhân ở nông thôn như sau:

- Địa phương có môi trường kinh tế phát triển, có điều kiện huy động vốn và cho vay vốn, có số đông thành viên sẵn sàng tự nguyện tham gia góp vốn thành lập QTDND, giao thông thuận tiện. Tại các địa phương, nhu cầu được tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân chính thức, với chi phí hợp lý, phương thức phù hợp, giao dịch tiện lợi có xu hướng tăng lên cao.

- Đội ngũ cán bộ lãnh đạo QTDND có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng góp vốn cổ phần xác lập, có trình độ quản lý kinh tế, có kinh nghiệm kinh doanh, hiểu biết về hoạt động tiền tệ - tín dụng, tôn trọng các quy trình nghiệp vụ hoạt động ngân hàng, chấp hành nghiêm quy định pháp luật, có tâm huyết thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân các vùng nông thôn, các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn.

- Bộ máy cán bộ, nhân viên làm việc tại QTDND được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thông thạo địa bàn hoạt động, tâm huyết với nghề tín dụng, nhiệt tình và có trách nhiệm tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân cho đông đảo người dân ở nông thôn.

- QTDND phải có tính hệ thống, có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh gồm 2 bộ phận là trực tiếp hoạt động kinh doanh phục vụ thành viên và tổ chức liên kết phát triển hệ thống.

Vai trò thúc đẩy các cơ hội tiếp cận tài chính cá nhân ở nông thôn

Sau khi ra đời, ngay trong thời kỳ đầu đổi mới, hệ thống QTDND đã khẳng định được vai trò của mình trong thúc đẩy các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hàng năm, các hộ thành viên góp vốn được chia cổ tức theo số vốn đã góp vào QTDND, mức cổ tức thường là tương đương lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại NHTM kỳ hạn 12 tháng. Số lợi nhuận còn lại của QTDND không chia, hoặc được trích trước khi chia cổ tức, được đưa vào quỹ tích lũy, quỹ phát triển nghiệp vụ, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ, xây trụ sở…

QTDND là loại hình TCTD hợp tác, được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính, đó là một xã, phường, thị trấn hoặc liên xã, phường, thị trấn... Các dịch vụ tài chính cá nhân chủ yếu được hệ thống QTDND cung cấp cho người dân các vùng nông thôn gồm: huy động vốn, hoạt động cho vay, cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên; nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định; gửi tiền tại NHHTX để điều hòa vốn, mở tài khoản thanh toán để sử dụng dịch vụ thanh toán tại NHHTX; cung ứng các dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên, làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.

Triển khai thực hiện Luật HTX số 18/2003/QH11, ngày 26/11/2003; Luật HTX sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và năm 2018; Luật các TCTD năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2010, một số QTDND yếu kém, không đủ điều kiện tồn tại nên đã phải thanh lý, ngừng hoạt động. Các QTDND chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình HTX.

Mô hình tổ chức hệ thống QTDND ở Việt Nam hình thành 2 cấp: cấp cơ sở bao gồm QTDND cơ sở và cấp liên kết (liên đoàn) là NHHTX. Về cơ bản, 2 loại hình HTXTD này đều tuân theo các nguyên tắc tổ chức và hoạt động giống nhau của một pháp nhân được tổ chức theo các nguyên tắc HTX, được hạch toán độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả tài chính của mình, tuân thủ theo các quy định của Luật HTX như: Nghị định số 177/2004/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HTX năm 2003; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012; Luật các TCTD; Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 của NHNN quy định về QTDND. Thông tư này quy định về việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, địa bàn hoạt động, quản trị, điều hành, kiểm soát, vốn điều lệ, vốn góp, chuyển nhượng vốn góp, hoàn trả vốn góp, thành viên, đại hội thành viên, hoạt động và quyền hạn, nghĩa vụ của QTDND. Thông tư số 21/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về NHHTX, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND… Những nguyên tắc đó cũng đảm bảo cho hệ thống QTDND thực hiện tốt vai trò thúc đẩy các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức cho người dân ở nông thôn thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân

Trải qua hơn 26 năm hoạt động, đến nay hệ thống QTDND đã khẳng định được sự cần thiết đối với quá trình phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, trong mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức của người dân.

Tính đến nay, hệ thống QTDND có gần 1.200 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành phố, với gần 1,6 triệu thành viên. Dư nợ cho vay của hệ thống QTDND tăng dần qua từng năm (từ 2.633 tỷ đồng vào năm 2003 đến hết năm 2019 đã đạt trên 90.483 tỷ đồng, tăng gấp hơn 34 lần).

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn TP. Hà Nội có 98 QTDND hoạt động trên 22 quận, huyện. Bình quân tổng tài sản 1 QTDND đạt 121 tỷ đồng, tổng số thành viên tham gia gần 123 nghìn thành viên. Các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng so với cuối năm 2018. Tổng nguồn vốn đạt 11,8 nghìn tỷ đồng tăng 6,0%, tổng dư nợ cho vay đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,0% so với năm 2018.

Trong thời gian qua, Chính phủ, NHNN ban hành hàng hoạt văn bản quy phạm pháp luật mới đối với hệ thống QTDND, nhằm tạo ra bước chuyển cho hệ thống trước khi bước vào một giai đoạn phát triển mới. Nói cách khác, những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại đang hiện hữu trong hệ thống QTDND và cũng là nền tảng để thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD, cũng như đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND, góp phần đảm bảo, ổn định an toàn lành mạnh và hiệu quả, tránh đổ vỡ và an toàn hệ thống.

NHNN cũng đã xây dựng và chuyển dần sang cơ chế quản lý theo quy mô, cấp độ gia tăng tài sản có của mỗi QTDND; hoàn thiện cơ chế tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND cũng như liên kết giữa mỗi QTDND, Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để tạo sự an toàn hệ thống QTDND.

Đánh giá chung cho thấy, một số ưu điểm và nhược điểm của hệ thống QTDND gồm:

Một số ưu điểm

- Hệ thống QTDND đang đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho các hộ gia đình ở nông thôn, cạnh tranh có hiệu quả với các NHTM và lấp chỗ trống cung cấp dịch vụ tài chính chính thức những nơi NHTM chưa vươn tới được. Tính đến hết năm 2019, trong cả nước có trên 1,8 triệu hộ gia đình ở nông thôn có các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức do các QTDND cung cấp, bao gồm 1,6 triệu hộ thành viên và trên 200 nghìn hộ khác gửi tiền, vay vốn theo tiêu chí hộ nghèo…

- Các QTDND tuân thủ pháp luật nói chung và tuân thủ pháp luật về thu hút tiền gửi, cho vay vốn nói riêng, tạo cho người dân ở nông thôn làm quen với các giao dịch tài chính chính thức, làm quen với các thủ tục gửi tiền, nguyên tắc và chế độ tín dụng, gửi tiền nhàn rỗi và vay tiền tiện lợi khi có nhu cầu.

- Các QTDND ngày càng hoạt động có hiệu quả, thu hút tiền gửi dân cư, mở rộng cho vay thuận tiện trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình, ủng hộ, thiết lập các giao dịch thường xuyên.

- Chất lượng hoạt động của đa số các QTDND được nâng lên, các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được đảm bảo, đặc biệt là khả năng thanh toán, khả năng chi trả dồi dào. Hoạt động tích cực của các QTDND đã hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn, việc làm, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới và hạn chế dần nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở các địa phương.

Hạn chế và nguyên nhân

- Tính bền vững và tính an toàn của một số QTDND chưa thực sự được đảm bảo. Việc tuân thủ các quy định pháp luật còn hạn chế.

- Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, hiệu quả giám sát và kiểm tra của NHNN đối với hoạt động của QTDND còn một số bất cập, chưa phát hiện kịp vi phạm và xử lý thật sự nghiêm minh những sai phạm của một số thành viên HĐQT QTDND.

- Tính liên kết trong hệ thống QTDND chưa thực sự chặt chẽ, chưa thiết lập và đưa vào hoạt động kịp thời quỹ an toàn hệ thống.

- Một số địa phương và một số QTDND chưa có mối quan hệ thường xuyên, hiệu quả với cấp ủy và chính quyền địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ trong quá trình hoạt động.

- Chưa tranh thủ và tận dụng được các nguồn tài trợ, hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ cho hệ thống QTDND.

Kết luận và khuyến nghị

Mô hình QTDND hiện nay là một thành công của Chính phủ Việt Nam về phát triển, đa dạng các loại hình TCTD theo yêu cầu hội nhập, đảm bảo tăng tính cạnh tranh về hoạt động ngân hàng, nhất là ở khu vực nông thôn, đem lại nhiều lợi ích, nhiều sự lựa chọn cho người dân ở địa phương, thúc đẩy các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn và chống hoạt động độc quyền của các NHTM.

Tuy nhiên, những đột phá trong công nghệ đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ tài chính,

Đến hết năm 2019, trên cả nước có trên 1,8 triệu hộ gia đình ở nông thôn có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức do các Quỹ tín dụng nhân dân cung cấp, gồm 1,6 triệu hộ thành viên và trên 200 nghìn hộ khác gửi tiền, vay vốn theo tiêu chí hộ nghèo.

ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống TCTD, trong đó có QTDND khiến các QTDND đứng trước những áp lực bên ngoài về cạnh tranh và bên trong là đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả hoạt động. Để phát triển bền vững mô hình QTDND trong giai đoạn hiện nay, thúc đẩy các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức của người dân ở nông thôn, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, phát huy vai trò kinh tế tập thể trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ cạnh tranh ngày càng sôi động.

Các cấp, các ngành các cơ quan có liên quan cần thiết phải có các chính sách, biện pháp cụ thể hơn nữa để khai thác tối đa lợi thế của mô hình HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, khai thác tối đa lợi thế và mục tiêu hoạt động theo quy định là liên kết, hợp tác và cùng phát triển với các thành viên tham gia.

Hai là, tổ chức và hoạt động tiếp tục phải gắn chặt với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi Quỹ tín dụng hoạt động.

QTDND với lợi thế giúp các thành viên là chính người dân ở địa phương, cán bộ Quỹ hiểu rất rõ điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình, hiểu phong cách sống và phong cách sinh hoạt của chủ gia đình, thực trạng tài sản và cung cách làm ăn, uy tín của gia đình, do đó luôn hạn chế mức thấp nhất rủi ro tín dụng, tình trạng nợ xấu. Việc liên kết chặt chẽ với các tổ, hội phụ nữ, hội nông dân… ở khu vực nông thôn sẽ giúp QTDND dễ dàng tiếp cận sâu rộng với người dân.

Ba là, thường xuyên đảm bảo tính liên kết chặt chẽ của hệ thống Quỹ Tín dụng trong toàn quốc.

Một trong những yêu cầu có tính bắt buộc đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững mô hình HTX tín dụng ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đó là thường xuyên củng cố tính liên kết trong toàn hệ thống QTDND. Để thường xuyên đảm bảo tính liên kết thực sự chặt chẽ trong toàn hệ thống QTDND, nhưng vẫn tôn trọng tính độc lập của từng QTDND, Hiệp hội QTDND và NHHTX cần chủ động đảm bảo các yêu cầu, hỗ trợ đảm bảo tính liên kết trên theo chức năng của mình.

Bốn là, không ngừng phát huy hiệu quả vai trò của Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.

NHNN, NHHTX cùng nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, đảm bảo tính bền vững của quỹ an toàn hệ thống này trong tình hình mới.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và bổ sung cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với hoạt động của QTDND trong thời kỳ hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Mô hình Quỹ tín dụng nhân dân là một thành công của Chính phủ Việt Nam về phát triển, đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng theo yêu cầu hội nhập, đảm bảo tăng tính cạnh tranh về hoạt động ngân hàng, nhất là khu vực nông thôn, đem lại nhiều lợi ích, nhiều sự lựa chọn cho người dân ở địa phương, thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cá nhân và chính thức, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Đến nay, có nhiều các văn bản mới đã được ban hành về Quỹ Bảo toàn và các văn bản quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động… Tuy nhiên, để khuyến khích và tăng cường hơn nữa hoạt động của hệ thống QTDND trong bối cảnh cạnh tranh sôi động và phát sinh nhiều rủi ro khó lường hiện nay, cần thiết bổ sung văn bản quy định cụ thể hơn nữa về tổ chức, cơ chế hoạt động, kiểm toán, kiểm soát nội bộ cho hệ thống QTDND.

Sáu là, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động và hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, giảm thiểu rủi ro đạo đức tại các QTDND trên địa bàn. NHNN, Hiệp hội Quỹ tín dụng cần có biện pháp phù hợp tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế, kiến nghị chính sách hỗ trợ QTDND hiện đại hóa công nghệ; đa dạng hoạt động dịch vụ tài chính, thường xuyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Đồng thời, tăng cường các chính sách, cơ chế hỗ trợ khi gặp khó khăn về thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2004), Nghị định số 177/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;
2. Ngân hàng Nhà nước (2015), Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 quy định về Quỹ tín dụng nhân dân;
3. Chính phủ (2013), Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX 2012;
4. Ngân hàng Nhà nước (2019), Thông tư số 21/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân;
5. Các website: www.sbv.gov.vn; www.vnba.org.vn; www.vapcf.org.vn.