6 tháng đầu năm 2022:
Ngành Dự trữ Nhà nước xuất cấp trên 752 tỷ đồng hàng dự trữ quốc gia
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) cùng các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) đã tổ chức xuất cấp kịp thời hàng DTQG theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, với tổng trị giá hàng hóa đạt khoảng 752,916 tỷ đồng.
Ngày 20/7/2022, Tổng cục DTNN tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành DTNN. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Bùi Thúy Ngọc chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN: Phạm Vũ Anh, La Văn Thịnh, Nguyễn Thị Phố Giang; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vụ, cục chức năng thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN và 22 điểm cầu các Cục DTNN khu vực.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả của ngành DTNN 6 tháng đầu năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Vũ Anh cho biết, trong nửa đầu năm 2022, Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực triển khai xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật DTQG, trong đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho công tác quản lý điều hành DTQG.
Cùng với đó, Tổng cục DTNN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2021 – 2020; đang xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa Thông tư số 160/2015/TT-BTC, số 161/2015/TT-BTC; xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xuồng (tàu)...
Bên cạnh đó, công tác nhập, xuất hàng DTQG trong 6 tháng đầu năm cũng được ngành DTNN đẩy mạnh triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, công tác nhập hàng DTQG, năm 2022, Tổng cục DTNN được giao chỉ tiêu mua kế hoạch nhập mua 220.000 tấn gạo và 40.000 tấn thóc. Kết quả, đến ngày 30/6/2022 đối với mua gạo, các Cục DTNN khu vực đã nhập kho 214.000 tấn gạo, đạt 97,3% kế hoạch. Đối với mua thóc, trong năm đầu thực hiện đấu thầu qua mạng, Tổng cục DTNN đã hướng dẫn các Cục DTNN khu vực triển khai kế hoạch đấu thầu mua 40.000 tấn thóc DTQG; thời gian hoàn thành nhập kho đến hết ngày 15/9/2022.
Bên cạnh đó, 6 tháng qua, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành DTNN đã xuất cấp hàng DTQG đảm bảo số lượng và chất lượng, với giá trị đạt khoảng 719,123 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã xuất cấp 61.164 tấn gạo với tổng giá trị khoảng 654,455 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 13.960 tấn gạo cho 16 tỉnh; hỗ trợ giáp hạt đầu năm 7.615 tấn gạo cho 13 tỉnh; hỗ trợ mưa lũ 3.738 tấn gạo cho 03 tỉnh; hỗ trợ dự án rừng 4.431 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 là 1.869 tấn gạo cho 03 tỉnh; hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2021-2022 là 29.551 tấn gạo cho 43 tỉnh.
Đánh giá về công tác xuất cứu trợ, viện trợ hàng DTQG trong 6 tháng đầu năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Vũ Anh cho rằng, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp theo tiến độ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG tại các bộ ngành được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, chất lượng hàng DTQG được bảo quản an toàn, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Trong nửa đầu năm, Tổng cục DTNN đã thành lập 3 đoàn phúc tra công tác quản lý chất lượng lương thực nhập kho năm 2022; phạm vi phúc tra là 22 Cục DTNN khu vực; thời gian phúc tra từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 31/7/2022. Đến nay, các Đoàn đã phúc tra được 22 Cục DTNN khu vực; chuyển Phòng Vilas 628 thuộc Trung tâm kiểm định hàng dự trữ phân tích 333 mẫu gạo.
Đối với hàng đang bảo quản, Tổng cục DTNN chỉ đạo các Cục DTNN khu vực thực hiện bảo quản lương thực, muối ăn thực hiện theo đúng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Qua tổng hợp chất lượng hàng dự trữ theo báo cáo hàng quý của các đơn vị, hàng hóa lưu kho, bảo quản đều đảm bảo an toàn...
Cũng tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành tham gia quản lý hàng DTQG như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện một số Cục DTNN khu vực đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ DTQG trong 6 tháng đầu năm; đồng thời đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý DTQG của ngành DTNN năm 2022.
Về việc bảo quản xăng dầu DTQG tại Bộ Công Thương trong 6 tháng đầu năm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý 01 mặt hàng xăng dầu DTQG (giảm 02 mặt hàng so với trước đây). Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Lãnh đạo Tổng cục DTNN, cũng như lãnh đạo của các vụ, cục chức năng thuộc Tổng cục DTNN trong công tác bảo quản hàng xăng dầu DTQG, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng.
Hiện nay, Bộ Công Thương ký hợp đồng với 4 doanh nghiệp bảo quản xăng dầu DTQG và các mặt hàng xăng dầu DTQG đang được bảo quản tại 2 điểm kho trên cả nước. Các mặt hàng xăng dầu DTQG trong 6 tháng đầu năm được các đơn vị bảo quản báo cáo hàng quý gửi Bộ Công Thương về tình hình xuất, nhập tồn hàng hóa để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc gửi cho Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) giải quyết.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, vướng mắc lớn nhất của Bộ Công Thương hiện nay là phải xây dựng lại định mức bảo quản mới phù hợp với thực tế để tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị bảo quản phù hợp với quy định và phù hợp với thực tế. “Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng đặc thù dẫn tới bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt, cho nên khi xây dựng chính sách có quy định phù hợp với tình hình thực tế để tránh gây khó khăn cho công tác quản lý mặt hàng này”, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp các mặt hàng, với tổng trị giá khoảng 98,461 tỷ đồng, gồm: 3.274 tấn hạt giống lúa; 90 tấn hạt giống ngô; 65 tấn hóa chất Chlorite 20%; 196 tấn hóa chất Chlorine 65% min; 30.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 5.000 lít hóa chất Han-Iodine. Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp theo tiến độ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; kịp thời bàn giao đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...
Trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) để xây dựng, hoàn thành Quy hoạch kho DTQG...
Về phía các Cục DTNN khu vực, ông Nguyễn Minh Trí - Cục trưởng Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm, Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh tổ chức đấu thầu thành công 10.500 tấn gạo, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đối với nhập vật tư thiết bị, đơn vị đã tổ chức nhập kho 2 máy phát điện; 5 bộ máy khoan cắt bê tông... Về công tác xuất gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2021-2022, đơn vị đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao nhận 26 tấn gạo kịp thời đến tận tay học sinh, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng...
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Ban lãnh đạo Tổng cục DTNN, Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để cụ thể hóa vào chương trình và kế hoạch công tác của ngành DTNN trong những tháng cuối năm 2022.
Triển khai nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc đề nghị, thời gian tới, các đơn vị trong ngành DTNN tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành các đề án nội ngành; rà soát danh mục hàng DTQG, phát hiện bất cập để báo cáo Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời; Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng cục DTNN và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; tập trung giải ngân dự toán được giao trong năm 2022 và các năm trước chuyển sang.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan, trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh quốc phòng và nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Tổng cục DTNN đẩy nhanh xây dựng và trình ban hành các loại định mức, tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc gia để làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng hàng DTQG, xây dựng dự toán và thực hiện kinh phí bảo quản, nhập, xuất hàng DTQG...