Ngành Hải quan: Thách thức thu ngân sách 2 tháng cuối năm

Theo baohaiquan.vn

Để thu đạt chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ đồng do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao, trung bình mỗi tháng còn lại toàn ngành Hải quan phải thu đạt 29.000 tỷ đồng, cao hơn gần 6.000 tỷ đồng so với bình quân thu đạt các tháng đầu năm (23.700 tỷ đồng).

CBCC Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra ô tô NK. Nguồn: PV.
CBCC Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra ô tô NK. Nguồn: PV.
Tỷ lệ tăng thu giảm dần

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, uớc thu 10 tháng năm 2017 số thu NSNN của ngành Hải quan đạt 237.000 tỷ đồng, đạt 83,15% dự toán và 80,33% so với chỉ tiêu phấn đấu (295.000 tỷ đồng). Với tốc độ thu trên, 2 tháng còn lại của năm 2017, để thu đạt dự toán 285.000 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng còn lại toàn ngành Hải quan phải thu đạt 24.000 tỷ đồng. Và để thu đạt chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng còn lại toàn ngành Hải quan phải thu đạt 29.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chia bình quân số thu 10 tháng, mỗi tháng ngành Hải quan chỉ thu đạt 23.700 tỷ đồng. Vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu trên là rất khó khăn!

Một thực tế cho thấy, nếu như trong quý I/2017 số thu NSNN của ngành Hải quan tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2016 thì đến hết tháng 4/2017 con số này chỉ còn tăng 16,7% và đến hết tháng 5/2017 tổng số thu chỉ còn tăng 13,24%, tháng 6 chỉ còn tăng 11% và đến tháng 7, 8, 9 và 10 chỉ tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là xu hướng ngược với quy luật các năm trước khiến cho tình hình thu NSNN trong những tháng cuối năm của ngành Hải quan sẽ rất khó khăn.

Điểm lại tình hình thu NSNN của ngành Hải quan từ đầu năm cho thấy, 3 tháng đầu năm 2017 toàn ngành Hải quan đã đạt 66.800 tỷ đồng, đạt 23,44% chỉ tiêu dự toán, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2016. Có được con số này là nhờ kim ngạch NK của một số mặt hàng có số thu lớn tăng cao như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 28,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15%; chất dẻo nguyên liệu tăng 21,2%; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 43,4% so với cùng kỳ 2016 (tính riêng mặt hàng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống trong 3 tháng đã nhập về khoảng 14.410 chiếc).

Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2017, số thu NSNN của toàn ngành Hải quan ước đạt 165.646 tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, và chỉ còn tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tính riêng số thu tháng 7/2017 đạt 22.565 tỷ đồng, thấp hơn tháng 6/2017 khoảng 2.241 tỷ đồng. Nguyên nhân số thu tháng 7/2017 thấp hơn tháng 6/2017 chủ yếu là do kim ngạch XNK có thuế tháng 7/2017 giảm 8,07% so với tháng 6/2017, giảm đều ở các mặt hàng chủ đạo: Xăng dầu giảm 206 tỷ đồng, dược phẩm giảm 102 tỷ đồng, sắt thép & kim loại thường giảm 85 tỷ đồng, hàng điện gia dụng giảm 260 tỷ đồng… nhiều nhất là ô tô nguyên chiếc giảm 745 tỷ đồng (trong đó ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đạt 2.537 chiếc giảm 703 chiếc làm giảm thu 602 tỷ đồng; đồng thời giảm 1.870 chiếc so với bình quân 6 tháng đầu năm và làm giảm thu khoảng 805 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng đầu năm).

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng- Cục trưởng Cục Thuế XNK, càng về những tháng cuối năm 2017 tình hình thu NSNN của ngành Hải quan càng trở nên khó khăn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XNK vẫn cao so với cùng kỳ, nhưng mức độ tăng thu NSNN giảm dần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do thực hiện các cam kết quốc tế và những tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã dẫn đến có sự chuyển luồng NK của hàng hóa từ nước trong khu vực không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt sang nước, khu vực được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới số thu NSNN của ngành Hải quan.

Trong đó, rõ nét nhất là mặt hàng ô tô nguyên chiếc NK. Trong tháng 9 và tháng 10 lượng xe NK giảm rõ rệt, trong tháng 9 lượng ô tô NK giảm còn khoảng 900 xe, tháng 10 lượng NK giảm sâu hơn chỉ còn khoảng 800 xe. Theo tính toán của Cục Thuế XNK, số thu NSNN của ngành Hải quan đã giảm 5.200 tỷ đồng so với dự toán từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc NK.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là kim ngạch XNK trong các tháng của năm 2017 tăng nhưng số thu lại giảm dần so với cùng kỳ năm 2016. Theo phân tích của Cục Thuế XNK, dù kim ngạch XNK trong 10 tháng năm 2017 tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng số thu chỉ tăng khoảng hơn 10%, chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô XK; xăng dầu NK cũng giảm về lượng, đồng thời do giá và thuế suất giảm so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, kim ngạch NK của một số mặt hàng chính, có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác khiến nguồn thu giảm so với cùng kỳ như cắt giảm thuế khi tham gia FTA.

Quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu

Lường trước được những khó khăn, toàn ngành Hải quan áp dụng đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để đảm bảo nguồn thu NSNN như tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác tham vấn giá theo danh mục rủi ro về trị giá sửa đổi bổ sung... Tổng cục Hải quan đã xây dựng những giải pháp cụ thể để triển khai công tác thu NSNN trong những tháng còn lại của năm 2017, nỗ lực, cố gắng ở mức cao nhất nhằm hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ đồng.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn gửi tới các cục hải quan tỉnh, thành phố điều chỉnh chỉ tiêu thu NSNN năm 2017 sát với tình hình thu thực tế và hướng dẫn đầu năm, khả năng thu và các yếu tố ảnh hưởng trong những tháng còn lại của năm, theo đó có tới 23/35 cục hải quan phải điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả nhất các giải pháp thu ngân sách những tháng còn lại của năm, trong đó nhấn mạnh nhóm giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa song hành cùng với nhóm giải pháp chống gian lận thương mại và thất thu về thuế nhằm hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu do Tổng cục Hải quan giao bổ sung cho các đơn vị.

Liên tiếp bằng những hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức hội nghị, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiên trì với các giải pháp thu NSNN đã đề ra. Trong đó sẽ tập trung vào các giải pháp chống thất thu như: Đấu tranh chống thất thu qua số lượng, trị giá, mã số, C/O, tích cực áp dụng các biện pháp quản lý thu, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn trọng điểm, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm soát, ứng dụng công tác quản lý rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong ngành… Đặc biệt trong đó biện pháp tạo thuận lợi thương mại bằng hiện đại hóa công tác giám sát hải quan và thu hồi nợ đọng được ngành Hải quan áp dụng mạnh mẽ.

Bước vào giai đoạn nước rút, hiện Hải quan các tỉnh thành phố đang dồn lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao. Một số đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường hậu kiểm ngay từ cửa khẩu đối với những mặt hàng NK trọng điểm, tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu NSNN như: Thu hồi và xử lý nợ thuế, công tác thanh tra, kiểm tra…

Đến ngày 8/11/2017, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số thu NSNN của toàn ngành đạt khoảng 240.560 tỷ đồng, bằng 84,41% dự toán, đạt 81,55% chỉ tiêu phấn đấu.

Hiện đã có 15/35 Cục Hải quan đạt chỉ tiêu thu NSNN ban đầu Bộ Tài chính giao đó là các Cục: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam Ninh, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Phước, Đắk Lắk; Hà Giang, Gia Lai-Kon Tum, Cao Bằng, An Giang, Điện Biên.

Một số Cục Hải quan chiếm số thu lớn như các Cục: Hải quan TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Vũng Tàu hiện đang đạt tỉ lệ thu khoảng 80%.