Ngành Tài chính lấy người dân, doanh nghiệp làm động lực cải cách hành chính
Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm động lực cải cách, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, ứng dụng hiện đại phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Tính đến ngày 25/02/2021, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 968 thủ tục hành chính. Trong đó, Bộ đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 100 thủ tục, mức độ 2 là 287 thủ tục, mức độ 3 là 70 thủ tục và mức độ 4 là 511 thủ tục. Tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 là 581 thủ tục, đạt trên 60 % tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã tích cực triển khai cơ chế một cửa. Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 25/02/2021, bộ phận Một cửa tại cơ quan Bộ Tài chính đã tiếp nhận 188 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, giá và tài chính ngân hàng) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 101 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 87 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.
Thực hiện kết nối thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện nay, Bộ Tài chính đã tích hợp 294 thủ tục hành chính, đạt 30,65% (tính đến ngày 25/2/2021) dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành nhiệm vụ tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ.
Việc đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, triển khai một cách hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, kho bạc điện tử, hải quan điện tử… của ngành Tài chính thời gian qua không chỉ hỗ trợ công tác quản lý tài chính của Ngành mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Theo đánh giá khách quan từ phía các bộ, ngành, cũng như từ phía các tổ chức kinh tế, hiệp hội, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp trên toàn quốc và tích cực kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mới đây nhất, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020). Theo đó, đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch hàng hóa qua biên giới, Báo cáo ghi nhận những nỗ lực của cơ quan hải quan trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các kết quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan.
Đáng chú ý, nhóm thủ tục hành chính thuế năm 2020 vẫn tiếp tục là nhóm thủ tục hành chính dẫn đầu với điểm số tăng 5,5 điểm và mức phí tuân thủ thấp. Qua khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực về quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Trong đó, tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý.