Ngành Thuế quyết liệt triển khai thu hồi nợ thuế
Trước tình hình nợ thuế toàn quốc vẫn ở mức cao, Tổng cục Thuế vừa có công văn yêu cầu các cục thuế quyết liệt triển khai thu hồi nợ thuế trong những tháng cuối năm.
Theo Tổng cục Thuế, qua theo dõi tình hình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn thì tình hình tiền thuế nợ đến thời điểm 31/10/2023 của toàn quốc vẫn ở mức cao. Một số địa phương có số tiền thuế nợ lớn và tỷ lệ tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2023.
Nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ mà Tổng cục Thuế đã giao tại Công văn số 46/TCT-QLN ngày 9/1/2023, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cục thuế trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu nợ những tháng cuối năm vào ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố quyết liệt tập trung triển khai các biện pháp để thu hồi nợ thuế.
Theo đó, đối với các khoản nợ thuế được gia hạn theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ, ngay khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế thực hiện ngay biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ, không để phát sinh thêm nợ mới.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tập trung triển khai đôn đốc, cưỡng chế đối với các khoản nợ có khả năng thu, đặc biệt là các doanh nghiệp có số nợ lớn. Đối với những người nợ thuế còn lại, Cục Thuế thực hiện đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin theo đúng quy định để nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Song song với đó, các cục thuế phải tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước. Thông tin để người nộp thuế biết về các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi các khoản nợ thông qua sự tự giác nộp của người nộp thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu phải tăng cường triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng của địa phương, tổ chức làm việc với từng người nộp thuế có tiền thuế nợ lớn trên địa bàn để đôn đốc thu hồi thuế.
Các cục thuế cũng phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các trường hợp đã thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Trường hợp người nộp thuế đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì phải hủy khoanh nợ, xóa nợ. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy khoanh nợ, xóa nợ và áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi nợ vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp “ngừng sử dụng hóa đơn” có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước và phải đảm bảo hiệu quả công tác thu nợ, không làm tăng tiền thuế nợ. Trường hợp người nộp thuế đề nghị sử dụng một lần nhiều hóa đơn thì thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 của Tổng cục Thuế.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuê no bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp cam kết nộp dần, cục thuế hướng dẫn và xem xét xử lý nộp dần theo quy định nếu doanh nghiệp hoàn thiện được hồ sơ nộp dần.