Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Bước tiến trong đấu tranh chống gian lận thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã đánh dấu sự phát triển về chất trong quản lý giá chuyển nhượng (GCN) tại Việt Nam.

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ góp phần củng cố lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Nguồn: internet.
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ góp phần củng cố lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Nguồn: internet.

Nghị định có các quy định chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như tinh thần cải cách hành chính hướng tới đơn giản, minh bạch.

Thỏa mãn các chuẩn mực quốc tế

Xác định GCN một cách khoa học để đấu tranh triệt để với các hành vi lạm dụng xác định GCN của các công ty đa quốc gia thông qua các giao dịch qua biên giới là cuộc chiến “không khoan nhượng” và lâu dài. Qua hơn 10 năm nghiên cứu, Tổ chức Phát triển kinh tế (OECD) kể từ Báo cáo thứ nhất (1979) được công bố, năm 1995 đã lần đầu tiên phát hành hướng dẫn xác định GCN với các công ty đa quốc gia như một hệ thống chuẩn mực quốc tế để mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ xây dựng văn bản pháp lý về xác dịnh GCN của chính họ.

Về phần mình, Liên Hợp quốc, với tư cách đại diện cho các quốc gia đang phát triển, trên cơ sở Báo cáo lần đầu năm 1988 cũng đã phát hành Hướng dẫn xác định GCN cho các nước đang phát triển vào năm 2013. Trong khi đó, Hoa Kỳ - một quốc gia có số lượng lớn nhất các công ty đa quốc gia, đã giới thiệu các qui định xác định GCN từ năm 2006.

Như vậy, trong bối cảnh ngay cả những người đi đầu trong lĩnh vực thuế quốc tế còn chưa tìm được tiếng nói chung về “một hệ thống chuẩn mực quốc tế tuyệt đối” cho vấn đề GCN, thì các nước đang phát triển, với hệ thống nội luật chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng và kỹ năng quản lý chưa phát triển, không thể xây dựng ngay được hệ thống nội luật về GCN đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế.

Việt Nam không là ngoại lệ, cũng phát triển từ các văn bản đầu tiên do cấp bộ ban hành (Thông tư 217/2005 và Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính) đến nghị định của Chính phủ (Nghị định số 20/2017/NĐ-CP) với các chuẩn mực quốc tế về xác định GCN lần đầu tiên được giới thiệu trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam.

Phù hợp với tiến trình cải cách hành chính

Điều đáng nói là Nghị định 20 không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn đảm bảo đúng nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức, nguyên tắc “ngưỡng an toàn” (Điều 12 đã quy định các trường hợp cụ thể, trong đó người nộp thuế được miễn kê khai, hoặc miễn lập hồ sơ xác định GCN). Đây là một quy định rất có ý nghĩa thực tiễn trên phương diện cải cách hành chính.

Cùng với việc áp dụng nguyên tắc ngưỡng an toàn để giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định GCN như nêu trên, Nghị định cũng hạn chế phạm vi các giao dịch được coi là giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh thông qua việc nâng tỷ lệ kiểm soát giữa các bên và tỷ lệ vốn vay trong vốn chủ sở hữu (từ 20% lên 25%).

Điều này sẽ  khiến cho nhiều doanh nghiệp trước đây bị coi là tham gia giao dịch liên kết (do đó phải kê khai và lập hồ sơ xác định GCN) thì nay không  thuộc phạm vi áp dụng.

Đặc biệt, việc loại bỏ các trường hợp bị coi là liên kết liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình, cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm trên một ngưỡng nhất định cũng như  thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được các doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh. Vì nó phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh với sự hợp tác ngày càng phong phú giữa các doanh nghiệp.

Việc quy định cụ thể bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh/thành phố trong quản lý xác định GCN không chỉ thể hiện tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống gian lận thuế trong xác định GCN, mà còn đảm bảo một sự công bằng và minh bạch hơn trong lĩnh vực này.

Mặc dù, có những thời điểm “việc lạm dụng xác định GCN” để trốn và tránh thuế đã trở thành vấn đề nóng trên cả nghị trường, các phiên họp chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trước đây, khi việc quản lý xác định GCN chỉ được thực hiện ở mức thông tư do Bộ Tài chính ban hành, sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp hoàn toàn trên cơ sở tự nhận thức và tự giác, hoặc nhiều nhất cũng chỉ là các quy định pháp lý chung của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của các bên thứ ba đối với công tác quản lý thuế nói chung.

Nghị định 20 (Điều 15) quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh/thành phố trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp tham gia giao dịch liên kết đã tạo cơ sở pháp lý khiến cho việc quản lý GCN không chỉ là trách nhiệm, là “sân chơi một mình” của Bộ Tài chính, hay Tổng cục Thuế. Điều này sẽ khiến cho công tác quản lý GCN có hiệu quả hơn, đồng thời củng cố thêm lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.