Khơi thông dòng vốn tín dụng cho công tác xóa đói giảm nghèo

Hương Giang

Trong những năm qua, nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện hiệu quả, trong đó, chính sách tín dụng là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân, giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo...

Khơi thông dòng vốn tín dụng cho công tác xóa đói giảm nghèo.
Khơi thông dòng vốn tín dụng cho công tác xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong số ít quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm (1993 - 2017), Việt Nam đã đưa hơn 50% dân số thoát khỏi nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao trên 58% (năm 1993) đã giảm xuống còn 6,7% (năm 2017) (dựa trên chuẩn nghèo quốc tế 1 USD/người/ngày). Con số này có thể khác đi nếu như sử dụng các thước đo về nghèo đói khác nhau nhưng nhìn chung, đây là một kết quả mà rất ít nước có thể đạt được.

Để đạt được thành quả này, nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện tại Việt Nam, trong đó, chính sách tín dụng là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân, giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra. Điều này đã đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, quá trình thực hiện chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn phát sinh một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế của người vay; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nơi, có lúc chưa chính xác, kịp thời; tín dụng chưa thật sự gắn với việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hiệu quả sử dụng vốn vay ở một số nhóm đối tượng khách hàng còn thấp…

Trong bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách cho người nghèo, nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững, có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, để làm sao khơi thông dòng vốn tín dụng đến với các hộ nghèo là yêu cầu cấp thiết, để mang lại hiệu quả cao nhất đối với công tác giảm nghèo bền vững ở nước ta, cần đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng chính sách

Cụ thể, chính sách tín dụng cho công tác xóa đói, giảm nghèo nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ NSNN thìviệc triển khai sẽ bị động, dẫn đến chính sách thiếu bền vững. Bởi vậy, ngoài nguồn vốn từ NSNN, để đảm bảo huy động đủ nguồn lực thực hiện chính sách, về lâu dài Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cần tìm một nguồn ổn định và bền vững hơn, bằng cách huy động từ chính những người đi vay thông qua hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm.

Trong những năm qua, NHCSXH đã triển khai thực hiện tốt nhận tiết kiệm từ người nghèo, tuy nhiên, nguồn vốn huy động được vẫn chưa bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, NHCSXH cần tiếp tục đẩy mạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ những người đi vay dưới 2 hình thức là tiết kiệm tự nguyện và tiết kiệm bắt buộc.

Đối với huy động tiết kiệm theo hình thức tự nguyện, người vay đóng tiết kiệm hàng tháng hoặc quý với số tiền nhất định. Điều chắc chắn là số tiền huy động từ một người nghèo theo thời gian nhất định sẽ không nhiều nhưng nó có tác dụng khuyến khích người vay với dư nợ tiền vay lớn có thể tiết kiệm nhiều hơn.

Bên cạnh đó, người vay được khuyến khích gửi tiết kiệm với nhiều hình thức hợp đồng tiền gửi phù hợp với họ để khuyến khích người vay tiết kiệm cho các mục đích cụ thể như học tập, mua sắm tài sản…

Đối với huy động tiết kiệm theo hình thức bắt buộc, người vay phải đóng tiết kiệm vào một tài khoản có lãi suất đầu tư và họ có thể được rút ra để sử dụng sau một thời gian nhất định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ít nhất là sau 3 năm thìsố tiền tiết kiệm này mới có ý nghĩa, vìgiúp cho người vay có một khoản tiền đáng kể và có thể sử dụng được vào việc khác.

Ở Việt Nam, hình thức này bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, kết quả đạt được còn thấp, vìviệc triển khai chưa đồng bộ ở các địa phương và quan trọng hơn với cách huy động như hiện nay thìchưa tạo ra một sự gắn kết chặt giữa người nghèo và cơ quan thực hiện chính sách.

Cùng với đó, cần tăng nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Mặc dù, nguồn tín dụng cho vay của NHCSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách liên tục gia tăng theo từng năm, song nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu cần vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện nay, có số hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này, độ bao phủ của chính sách còn yếu. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, cần huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài như của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và tài trợ của các doanh nghiệp trong nước bằng cách cho vay không tính lãi suất hoặc lãi suất thấp.

Để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn, cần phải điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng của chính sách để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình khó khăn có thể tiếp cận được nhiều hơn nữa đến nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hiện nay, các chương trình cho người nghèo vay vốn của Chính phủ thường được thực hiện thông qua NHCSXH dưới hình thức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi đã dẫn đến nhiều hệ quả đi ngược lại với mục đích hỗ trợ người nghèo của các chương trình này. Vìvậy, để giải quyết mẫu thuẫn này, cần có quy định khác nhau cho các đối tượng khác nhau.

Cụ thể ở đây sẽ chia thành 2 nhóm trong đối tượng của chính sách: (i) Nhóm người nghèo nhất và có nguy cơ tổn thương cao sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi (có thể với lãi suất hỗ trợ bằng 0); (ii) Nhóm người nghèo còn lại theo chuẩn nghèo của quốc gia và các hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay không cần tài sản thế chấp nhưng lãi suất thấp hơn một ít và thậm  chí bằng lãi suất của thị trường. Kinh phí thực hiện huy động từ các nguồn khác.

Cả 2 nhóm đối tượng này sẽ cùng được hưởng hỗ trợ chung từ Nhà nước đó là các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hiện nay, ở các địa phương có kinh phí cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật qua các hộ hay phòng khuyến nông.

Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính hình thức, đại trà, ít tác dụng. Vì thế, nên kết hợp hoạt động khuyến nông với các dự án xin vay vốn. Để đảm bảo sự phù hợp và bền vững của chính sách, vấn đề là cần có tiêu chí rõ ràng đối với 2 nhóm nghèo trên và các hoạt động hỗ trợ để sử dụng hiệu quả vốn vay cần được cung cấp với chất lượng cao...