Nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Dự thảo này hiện đang được Bộ đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong thời hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nguồn: internet
Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong thời hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nguồn: internet

Dự thảo gồm 6 chương 94 Điều, bên cạnh những quy định chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất những quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lập, theo dõi và đánh giá kế hoạch đầu tư công; kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm…

Theo dự thảo, kế hoạch đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong thời hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Kế hoạch đầu tư công hằng năm được lập để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cân đối vốn đầu tư công hằng năm.

Nguyên tắc bố trí vốn

Theo dự thảo, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án phải tuân theo nguyên tắc sau: Nhằm mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt. Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành.

Trong từng ngành, lĩnh vực, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: 1- Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. 2- Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt. 3- Dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu sau: Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định; sau khi đã bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết ngày 31/12/2014; bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Dự thảo nêu rõ, không sử dụng vốn ngân sách trung ương, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư công khác của trung ương để chuẩn bị đầu tư các dự án do địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, dành khoảng 15-20% trong tổng số vốn cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương để dự phòng xử lý những vấn đề phát sinh như: Trượt giá, đầu tư các dự án khẩn cấp và một số dự án quan trọng cấp bách có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành nhưng chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn; các vấn đề phát sinh khác trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.