Nhiều điểm mới trong quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức


Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định có hiệu lực từ ngày 29/9/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định quy định việc thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được chia thành 02 loại:

Thứ nhất, viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;

Thứ hai, viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Nghị định cũng quy định rõ, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với 03 trường hợp sau:

Một là, các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có ở vị trí công việc thuộc các đối tượng quy định).

Cụ thể, bao gồm: Người đang là cán bộ, công chức cấp xã; Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

So với quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP), Nghị định mới ban hành đã bổ sung thêm trường hợp người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là đối tượng được xem xét tiếp nhận làm viên chức.

Hai là, người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

Ba là, người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đối với 03 trường hợp được tiếp nhận vào làm viên chức, Nghị định nêu rõ, khi xem xét tiếp nhận vào làm viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với các trường hợp người có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Đối với các trường hợp làm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thì không phải thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận, nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và quy định. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm viên chức.

Về thi tuyển tuyển dụng viên chức, Nghị định về cơ bản giữ nguyên các quy định về tuyển dụng viên chức như: Thực hiện theo 02 hình thức là thi tuyển và xét tuyển; mỗi hình thức lại thực hiện theo 02 vòng.

Tuy nhiên, Nghị định đã có một số thay đổi quan trọng so với quy định trước đây về việc tuyển dụng viên chức, như: bổ sung quy định thời gian thi thực hành khi thi tuyển viên chức do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển; bổ sung hình thức thi viết tại vòng 02 của kỳ thi tuyển dụng viên chức (trước đây chỉ có phỏng vấn hoặc thực hành)...