Những kết quả và thách thức trong triển khai chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam


Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế phục hồi và tái tạo dựa trên việc thiết kế và tối đa hóa hiệu quả tài nguyên. Mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đã được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bài viết phân tích những kết quả đạt được và thách thức đặt ra khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp nhằm đối phó với thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ nhìn nhận bối cảnh quốc tế, tình hình thực tiễn trong nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa ra “phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội”, trong đó có nội dung “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn được thể hiện ở một số luật, nghị định.

Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu có những điều khoản quy định về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cụ thể tại Chương XI, mục 2, Điều 142 nêu rõ: (1) Kinh tế tuần hoàn được quy định là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; (2) Bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh căn cứ các tiêu chí chung quy định tại khoản 1 Điều này xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với ngành, lĩnh vực, sản phẩm và địa bàn được giao quản lý.

Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Như vậy, Luật khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế cần được khuyến khích phát triển từ các cơ quan quan hoạch định chính sách, chỉ đạo thực hiện và đặc biệt là đối với sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành.

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa các điều khoản quy định về kinh tế tuần hoàn tại Chương X, mục 3. Cụ thể:

Điều 138 quy định chung về kinh tế tuần hoàn, trong đó nêu rõ tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn:

a) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

b) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

c) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: Giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Điều 139 về lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn:

+ Ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31/12/2023;

+ Ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn;

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, có trách nhiệm:

Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia quy định tại khoản 5 Điều này;

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về nội dung kinh tế tuần hoàn;

Lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải;

Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Điều 140 về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn nêu: Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn đối với các hoạt động sau:

a) Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn;

b) Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn: Tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường…

Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế tuần hoàn sau:

+ Nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật;

+ Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất  kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn.

+ Áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

+ Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải;

+ Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật;

+ Hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/06/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Như vậy, từ chủ trương của Đảng thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, những quan điểm định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn chính là căn cứ để các ngành, các lĩnh vực triển khai thực hiện, dựa trên những quy định của pháp luật về kinh tế tuần hoàn, nhằm hướng đến thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Một số kết quả và thách thức trong triển khai chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Kết quả đạt được

Thứ nhất, các nội dung về kinh tế tuần hoàn được đưa vào các luật, nghị định và văn kiện đại hội Đảng cho thấy, nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua. Điều này cho thấy Việt Nam đang hòa cùng xu thế chung của toàn cầu là chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đồng thời khẳng định, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện về kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về về kinh tế tuần hoàn trong Luật.

Thứ hai, thông qua thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Nhờ đó, mô hình SXSH đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, đã có gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH. Qua 12 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn. Có thể thấy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ ba, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025. Cụ thể: đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 -2018.

Thứ tư, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công - tư đang được đề xuất và từng bước triển khai. Một số chương trình nổi bật, như chương trình thu gom và tái chế rác thải của nhóm doanh nghiệp chuyên nghiệp và nhóm doanh nghiệp lớn; sáng kiến không xả thải vào môi trường, các khu công nghiệp sinh thái ở một số thành phố lớn. Một số kết quả cụ thể từ mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thành công trong các doanh nghiệp lớn, như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chuỗi cung ứng nuôi và sản xuất cá tra, hoặc dự án của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về Khu công nghiệp sinh thái đang triển khai tại 6 khu công nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ. Tất cả những sáng kiến và mô hình kinh tế này đã đặt nền tảng đầu tiên cho quá trình dịch chuyển của nền kinh tế.

Một số thách thức đặt ra

Thứ nhất, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dù đã được đề cập nhưng chưa được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Việt Nam đã có một số mô hình hình kinh tế tuần hoàn và khu công nghiệp sinh thái đang hoạt động nhưng chưa có hành lang pháp lý cho phát triển hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, cản trở từ lối tư duy cũ. Hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận kinh tế tuyến tính, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình rõ ràng, hơn nữa, cần nhấn mạnh đến những đổi mới về tư duy và nhận thức, khuyến khích các sáng kiến trong chuỗi sản xuất và cung ứng nhằm hỗ trợ cho chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp. Những nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ khâu nguyên liệu đầu vào, thiết kế, tiêu dùng, triển khai, tái sử dụng, tái chế và khâu thải loại đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng, quy hoạch khu công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn và khả năng liên kết còn nhiều hạn chế. Nhiều quy hoạch riêng rẽ do tư duy phát triển kinh tế tuyến tính, thiếu liên kết; quy hoạch không gắn với khả năng cân đối nguồn lực và sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ tái chế, các ngành công nghiệp hỗ trợ và nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn cần gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến và an toàn với sức khỏe con người và môi trường. Về nguồn lực, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ và kiến thức thực tiễn nhằm giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất của doanh nghiệp và khả năng liên kết các doanh nghiệp.

Thứ tư, số lượng các nhà máy xử lý rác thải nhựa của Việt Nam còn quá ít, dẫn đến sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm, lượng rác thải lại gia tăng thêm 10%, tương đương hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Nếu như số lượng rác được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Thứ năm, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực ngành, khu vực chưa có điều kiện cơ hội tiếp cận và triển khai các mô hình này. Phát triển kinh tế tuần hoàn phải đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, hầu hết công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi trong các khâu của quy trình sản xuất, nhất là khâu sau cùng - tái sử dụng, tái chế chất thải một cách hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, nên phần lớn dựa vào liên kết và nhận tài trợ từ các nước phát triển. Năng lực về công nghệ tái sử dụng và tái chế của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thói quen trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm bằng nhựa, nilon dùng một lần của người dân rất lớn, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Đây thật sự là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi, vì mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch phát thải trước khi đưa vào tái chế và tái sử dụng. 

Thứ sáu, các chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường còn thiếu rõ ràng, khó áp dụng nên chưa tạo ra đột phá để huy động sự tham gia của xã hội vào công tác bảo vệ môi trường; (iv) một số công cụ như chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; đặt cọc - hoàn trả đã được quy định nhưng triển khai còn bất cập; nhiều công cụ mới đã xuất hiện và được đánh giá có tiềm năng như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tiêu dùng xanh, nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý.

Một số khuyến nghị về giải pháp nhằm đối phó với thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta

Mục tiêu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2025 - 2030

Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.

Đề xuất một số giải pháp

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực tế phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta hiện nay, tác giả đề xuất một số khuyến nghị giải pháp nhằm đối phó với thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn như sau.

Một là, Chính phủ cần xây dựng và ban hành các văn bản chính sách có tính toàn diện, thống nhất, có tính pháp lý cao; trong đó trước mắt ưu tiên xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về kinh tế tuần hoàn làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách kinh tế tuần hoàn, phù hợp với các Chương trình, chính sách hiện hành có liên quan, như: Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2025 - 2030; Nghị định về phát triển ngành Công nghiệp môi trường.

Hai là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn nhằm thay đổi lối mòn tư duy cũ của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra chủ trương và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn phải bắt đầu từ các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền. Đối với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo hướng sạch và tăng cường tái chế thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính, cũng như tăng cường trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng. Bộ Tài chính có thể xây dựng các chế tài tài chính buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sẩn phẩm của mình.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp về công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có các nghiên cứu phát triển về công nghệ, vật liệu, thiết kế sản phẩm. Vì vậy, cần có các biện pháp hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có thể thành lập các quỹ để khuyến khích nghiên cứu phát triển.

Bốn là, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do vậy cần có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
  2. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTgngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1316/QĐ-TTgngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 343/QĐ-TTgngày 12/3/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
  6. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 50/NQ-CPngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  7. Chính phủ (2022). Quyết định số 687/QĐ-TTgngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
  8. Trang Ngân (2021). Những kết quả bước đầu của sáng kiến kinh tế tuần hoàn ngành Công Thương. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Truy cập tại https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/nhung-ket-qua-buoc-dau-cua-sang-kien-kinh-te-tuan-hoan-nganh2.html
Theo tapchicongthuong.vn