Nhượng quyền hàng không và các nguyên tắc quản lý

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Chủ trương xã hội hóa nhà ga, cảng hàng không đang được ngành giao thông - vận tải tính toán, trên cơ sở vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước vừa đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ hàng không để khai thác hiệu quả hạ tầng của loại hình vận tải quan trọng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, tới nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng các Đề án xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Đề án này đã đưa ra danh mục và hình thức đầu tư các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc lựa chọn các dự án bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông, các quy định của pháp luật và một nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt là bảo đảm an ninh - quốc phòng, an ninh - an toàn hàng không, hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng và quyền lợi của người lao động. Ts Võ Trí Thành nhấn mạnh, vai trò của tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng, từ vận hành, khai thác ngày càng quan trọng vì sở hữu tư nhân hạn chế được xung đột lợi ích giữa quyền lực, nguồn lực và lợi ích. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả phải đảm bảo được tính cạnh tranh. Muốn vậy, phải bảo đảm được 3 nguyên tắc chung. Thứ nhất là, minh bạch và đầy đủ thông tin. Thứ hai là giám sát. Rất cần các cơ quan chuyên môn và các tổ chức độc lập giám sát việc thực hiện của các nhà đầu tư tư nhân để bảo đảm chất lượng công trình. Thứ ba là, đối với khai thác cảng hàng không, các nhà đầu tư khá ít nên việc đấu thầu cạnh tranh thôi là chưa đủ. Phải tạo được áp lực cạnh tranh trong quá trình vận hành, khai thác cảng hàng không.

Mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa là để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư vào hạ tầng. Vì vậy, một trong những hình thức để kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo quy định hiện hành là nhượng quyền khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có nhượng quyền khai thác các cảng hàng không, sân bay. Thực tế, việc xã hội hóa đầu tư hàng không tuy còn mới mẻ ở Việt Nam song không phải là chưa có tiền lệ. Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: trước đây Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi nhà đầu tư và đã khởi công đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông đầu tư với tổng mức đầu tư 1.694 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác 84 năm. Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư và sẽ khởi công Sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư là Tập đoàn Sun Group, tổng mức đầu tư 7.494 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác 45 năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cũng cho rằng, xã hội hóa đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc vai trò quản lý nhà nước không được chuyển giao hoàn toàn cho tư nhân. Theo đó, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực không cần nắm giữ. Đồng thời, trong trường hợp khi cần thiết, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh, quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Mặt khác, nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức bảo đảm hoạt động vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch, tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước.

Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, cần kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh trong lĩnh vực hàng không; phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn để bảo đảm vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh tế nhưng không phá vỡ thế trận phòng không nằm trong khu vực phòng thủ của các phân khu và cả nước.