Nợ đọng BHXH của Hà Nội diễn biến phức tạp, chính quyền và ngành BHXH cùng sốt ruột
Kết quả thực hiện những tháng đầu năm cho thấy, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn Hà Nội lên tới 3.432,8 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu.
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ lớn, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng
Trong đó, có trên 34.212 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, hết lao động với số tiền nợ bảo hiểm là 1.109 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số nợ. Đặc biệt, có 1.449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng với số tiền là 663,3 tỷ đồng; 367 đơn vị nợ từ 24 đến dưới 36 tháng với số tiền 169,7 tỷ đồng…
Trước diễn biến phức tạp về nợ đọng trên địa bàn, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, đơn vị này đã rất chủ động, quyết liệt phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tính đến cuối tháng 5/2019, BHXH Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.372 đơn vị, bước đầu thu hồi được 113,6/302,7 tỷ đồng tiền nợ BHXH, xử phạt 6 đơn vị với số tiền 721 triệu đồng. Mặt khác, qua công tác khai thác cơ sở dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, BHXH Hà Nội đã rà soát được 16.483/46.336 đơn vị. Số đơn vị khai thác, phát triển mới là 6.225 đơn vị với 16.812 lao động.
Dù đã có những giải pháp và triển khai quyết liệt, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, theo đại diện BHXH Hà Nội, hiện BHXH cấp huyện không được thực hiện thanh tra nên có phần hạn chế trong xử lý nợ đọng BHXH, có tình trạng một số đơn vị không chấp hành nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, kiểm tra như không tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra; không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thành tra, kiểm tra; không đồng ý ký biên bản về việc vi phạm…
Đối với 86 đơn vị đã thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính, số tiền nợ không giảm mà tiếp tục tăng, doanh nghiệp (DN) không nộp tiền nợ BHXH, không nộp tiền xử phạt hành chính. Đến nay, số nợ của 86 đơn vị này lên tới 176,9 tỷ đồng, tăng 10,2 tỷ đồng so với thời điểm thanh tra. Trong khi đó số tiền phạt đã nộp mới có 997 triệu/7,7 tỷ tiền phạt.
Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số DN giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với DN giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…
Chính quyền và ngành BHXH sốt ruột
Trước tình hình nợ đọng BHXH gia tăng và kéo dài trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì, với sự tham dự của đại diện hơn 200 đơn vị đang nợ BHXH với số tiền lớn.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thu BHXH nhưng cũng là địa phương đứng đầu về số nợ BHXH, do đó cần phải có các phương án, biện pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, BHXH TP. Hà Nội cần yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã rà soát lại từng DN, tập hợp các khó khăn vướng mắc đề báo cáo lên Thành phố, BHXH Việt Nam, các bộ, ban, ngành trung ương để tìm phương án xử lý.
Về phía BHXH TP. Hà Nội, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn và đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ BHXH năm 2019 xuống dưới 2%, đơn vị này đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên tuyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, thường xuyên nhắc nhở các DN thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hàng tháng đúng quy định; phối hợp cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN...
BHXH TP. Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, DN vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các DN nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Trước tình hình nợ đọng BHXH của Hà Nội diễn biến phức tạp, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam mới đây đã có buổi làm việc BHXH Hà Nội, yêu cầu BHXH TP. Hà Nội tập trung nghiên cứu, làm rõ những vướng mắc cụ thể, sớm có báo cáo BHXH Việt Nam để có hướng dẫn giải quyết; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để các địa phương khác trong cả nước áp dụng thực hiện.
BHXH Thành phố cũng cần tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; khẩn trương gửi hồ sơ các đơn vị nợ đọng với số tiền lớn, kéo dài sang cơ quan Công an, kiến nghị xử lý hình sự; sử dụng dữ liệu từ cơ quan Thuế để rà soát số DN chưa tham gia, trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT từ đó có giải pháp tiếp cận, tháo gỡ, vận động tham gia…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, làm rõ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, trong đó có địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó, có hướng dẫn phương án giải quyết kịp thời; mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về công tác thu, thanh kiểm tra cho cán bộ tại địa phương.
Hà Nội là một trong những địa phương có số đơn vị sử dụng lao động và người lao động lớn nhất cả nước nên kết quả thực hiện công tác tác thu, giảm nợ đọng tại Hà Nội sẽ có tác động không nhỏ đến kết quả chung của toàn ngành BHXH.