Phá giá phái sinh
Để thu hút NĐT sử dụng sản phẩm mới, hoặc cũng nhằm giành khách hàng từ đối thủ, thời gian qua các CTCK đã giảm phí giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL) rất mạnh. Đây cũng là chỉ báo cho cuộc đua khốc liệt trên thị trường phái sinh thời gian tới.
Thanh khoản chưa ổn định
Hơn 1 năm trước, phí giao dịch tại một số CTCK lớn 20.000 đồng cho mỗi HĐTL nhưng nay chỉ dao động quanh mốc 10.000 đồng, tức giảm phân nửa. Nhưng giảm vậy vẫn chưa nhằm nhò gì, bởi nếu đi khảo giá gần chục CTCK tham gia sân chơi phái sinh hiện nay sẽ có cả những đơn vị ấn định phí giao dịch… 0 đồng trong khoảng thời gian nào đó, hoặc chỉ 3.000-5.000 đồng/HĐTL. So với phí giao dịch trên thị trường cơ sở nhiều người cho rằng phí giao dịch trên thị trường phái sinh đang quá rẻ.
Hãy thử so sánh: Giả định giá HĐTL (tham chiếu theo VN30) đang là 93 triệu đồng/hợp đồng, nếu phí giao dịch 20.000 đồng/HĐ, tính ra tỷ lệ chỉ 0,02%. Trong khi đó phí giao dịch trên thị trường cơ sở thường dao động quanh mốc 0,2-0,25%. Tính theo tỷ lệ, rõ ràng phí giao dịch phái sinh trong trường hợp này chỉ bằng 1/10 thị trường cơ sở. Nhưng đây là mức phí 20.000 đồng/HĐ lúc mới xuất hiện, còn hiện nay nếu giảm phân nửa phí phái sinh còn rẻ hơn nữa, chỉ bằng 1/20 cơ sở.
Tất nhiên, có nhiều lý do để dẫn đến việc phí phái sinh rẻ như vậy. Một trong số đó là việc NĐT có thể xoay vòng mua/bán liên tục không giới hạn trong ngày. Theo đó, CTCK có thể lấy được số lượng lớn HĐ giao dịch để bù vào khoản phí tạm cho là thấp so với thị trường cơ sở. Còn với chứng khoán cơ sở, mua phải đợi ngày T+3 mới có thể bán.
Thực tế, phái sinh là sản phẩm mới trên thị trường đòi hỏi các CTCK đầu tư số tiền không nhỏ lên đến “3 con số”. Ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCK Yuanta Việt Nam, cho biết kể từ khi mua lại CTCK Đệ Nhất và đổi tên thành Yuanta, riêng phần tiền đầu tư cho hạ tầng công nghệ đã hơn 50 tỷ đồng, và trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 60 tỷ đồng nữa để nâng cấp công nghệ.
Cũng cần biết rằng, Yuanta mới hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng và hiện chưa chính thức trở thành thành viên phái sinh mà phải trong thời gian tới. Đầu tư cho phái sinh tốn kém như vậy nên hồi đầu năm tại đại hội cổ đông của một CTCK lớn, vị tổng giám đốc đã nói thẳng rằng trong vài năm tới đừng hy vọng có lãi.
Đầu tư bạc tỷ, trăm tỷ, nhưng rõ ràng cái hiện hữu thu về của CTCK chỉ là… bạc cắc. Thử một phép tính đơn giản: với 1 tỷ đồng GTGD trên thị trường cơ sở, khoản phí (tỷ lệ 0,25%) thu về của CTCK 2,5 triệu đồng. Còn với thị trường phái sinh, GTGD 1 tỷ đồng, có khi chỉ thu được 1/10 hay 1/20, tức chỉ là vài trăm ngàn đồng. Cũng phải nói thêm về yếu tố số nhiều, tức kỳ vọng về việc NĐT xoay vòng giao dịch nhiều nhằm tạo ra nhiều nguồn thu cho CTCK.
Ông Trí Lê, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng (PHS), phân tích: “Thanh khoản trên thị trường phái sinh không phải lúc nào cũng ổn định, đặc biệt một số NĐT tham gia thị trường này khá nhạy bén với thanh khoản. Chỉ cần nhận thấy thanh khoản giảm lập tức họ cũng thận trọng trong giao dịch”. Ông Lê Minh Tâm cũng cho biết thêm rằng giai đoạn hiện nay không thể tính đến chuyện lời lãi trên thị trường phái sinh, vì chỉ mới có duy nhất sản phẩm là HĐTL nên còn phải chờ thêm những sản phẩm mới.
Cuộc đua giảm phí
Cuộc đua giảm phí
Thực ra 9 CTCK đang tham gia thị trường phái sinh chỉ là khởi đầu. Bởi lẽ không quá khó để nhận ra sang năm 2018 này một loạt CTCK sẽ tiến hành tăng vốn lên mốc 1.000 tỷ đồng và đổ bộ vào thị trường phái sinh. Con số CTCK tham gia thị trường phái sinh vào năm sau dự báo sẽ tăng mạnh hơn. Những gì diễn ra trong cuộc cạnh tranh giành khách hàng phái sinh hiện nay và trong thời gian tới đây, đã gợi nhớ về cuộc chiến margin diễn ra nửa thập niên trước.
Khi đó, các CTCK cũng sử dụng những biện pháp rất phổ thông và kinh điển, bao gồm giảm phí giao dịch, giảm lãi suất margin, chia hoa hồng cao cho nhân viên môi giới để kéo khách về. Nhưng có một thực tế, CTCK nào sử dụng phương cách này “bạo nhất” chỉ bật lên được một giai đoạn. Còn nhớ lúc đó thậm chí đã diễn ra cuộc lôi kéo nhân viên môi giới từ một CTCK ngoại về với một CTCK có tổ chức tài chính lớn đứng sau. CTCK này nổi bật được một thời gian, lọt vào top 10 thị phần, nhưng hiện nay hiếm khi lọt top.
Cuộc cạnh tranh phái sinh sắp tới đây nếu vẫn theo công thức giảm phí, kết quả xem ra cũng không khác với cạnh tranh margin là bao, vì CTCK sẽ không thể giảm phí phái sinh mãi được. Chẳng hạn, hiện có những CTCK ấn định phí giao dịch 0 đồng, miễn phí cho khách hàng mới ký hợp đồng những tháng đầu tiên. Chỉ cần hết miễn phí mà có CTCK cũng sử dụng chiêu này, khách hàng hoàn toàn có thể bỏ sang nơi khác. Lúc này, CTCK lại phải tốn kém chi phí đi tìm khách hàng, trong khi những chi phí trước đây liên quan đến đào tạo nhân sự, chăm sóc khách hàng gần như công cốc. Đó là còn chưa kể đến chi phí khấu hao máy móc, công nghệ không nhỏ.
Tất nhiên, các CTCK hiện nay cũng không ngừng tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân sự liên quan đến phái sinh nhằm nâng chất lượng dịch vụ. Nhưng xem ra, cuộc đua phái sinh nếu quá nóng sẽ buộc nhiều CTCK phải bước vào vòng xoáy về phí, giảm giá, và lúc đó sẽ chỉ số ít CTCK có tiềm lực thực sự mới có thể trụ vững.