Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn

Việt Hoàng

Chiều ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể.

Nền kinh tế phục hồi ngoạn mục

Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 chiều ngày 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi lời cảm ơn đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm.

Lắng nghe và ghi nhận nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm vừa qua, trước những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, Chính phủ đã chú trọng kiên trì mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm giữ ổn định các thị trường trong nước, ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu (điều chỉnh phù hợp chi phí, xử lý tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu).

Đối với thị trường tiền tệ, Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất; Bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về ổn định hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 

Đặc biệt, Chính phủ đã tiếp tục triển khai các chính sách về miễn giảm thuế, phí, lệ phí. Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác nhằm đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân.

Nhờ những quyết sách đồng bộ, cương quyết và kịp thời, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến năm 2022, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Phân tích thêm về những kết quả của năm 2022, Thủ tướng khẳng định, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức

Nhấn mạnh các định hướng lớn cho năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho rằng,  2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022, đòi hỏi cả nước phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Nhắc đến giải pháp giữ ổn định thị trường chứng khoán, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi cần thiết Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nhận được sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật. Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. 

Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp, nghiên cứu các chính sách cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần triển khai xây dựng phân khúc cho các tầng lớp trong xã hội, "không thể neo giá cao mãi, có phân khúc cho người giàu thì cũng phải có phân khúc cho người có thu nhập thấp".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, thích ứng với tình hình. Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".

Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa; tiếp tục nghiên cứu miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phản ứng chính sách kịp thời, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tổng thể.

Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động...

Các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; giữ chính sách ổn định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh...