Phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn lực Dự trữ Quốc gia

Thu Thủy – Hồng Sâm

Năm 2015, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, vươn lên, góp phần hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành Dự trữ Quốc gia.
TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành Dự trữ Quốc gia.

"Thông qua việc xuất cấp hàng DTQG kịp thời để hỗ trợ cho nhân dân các địa phương, các chương trình Dự án và chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực DTQG đã được phát huy, sử dụng có hiệu quả, để từ đó nhân dân tin tưởng, đánh giá cao vị trí vai trò của ngành trong xã hội" - Thông tin trên được TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết bên lề Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành DTQG.

Xuất cấp thành công

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết, tính đến giữa tháng 12/2015, tổng giá trị hàng mà ngành DTQG xuất cấp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 1.358 tỷ đồng, trong đó: Bộ Tài chính xuất gần 110.000 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán và cứu đói thời kỳ giáp hạt, hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn, xuất hàng vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nan, Bộ Quốc phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang phục vụ công tác phòng chống khắc phục lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

"Trong thời gian tới đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí tăng cường nguồn lực cho DTQG, để bố sung quy mô DTQG nhất là các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ an ninh, quốc phòng để sẵn sàng, chủ động đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách để hoạt động DTQG ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xuất cấp, quản lý và sử dụng hàng DTQG tại các bộ, ngành, các địa phương đảm bảo đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả xã hội của hoạt động DTQG.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về DTQG, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp các ngành đối với công tác DTQG, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực DTQG".

TS. Phạm Phan Dũng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất hàng, gồm: 3500.000 liều vắc xin chống lở mồm long móng 3typ, 2typ, typO, 1.150.000 liều vắc xin dịch tả lợn, 131.500 lít thuốc sát trùng Benkocid, gần 500 tấn hóa chất chlorine 65%, 20%, 10.000 lít hóa chất sát trùng vetvaco-Iodine, 53.000 lít hóa chất Han-Iodine, 4.200 tấn hạt giống lúa, gần 570 tấn hạt giống ngô và gần 90 tấn hạt giống rau…để phòng trừ dịch bệnh cho gia súc gia cầm và giống hỗ trợ cây trồng để khăc phụ hậu quả thiên tai, dịch bệnh cho nhân dân. Ngoài ra các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế…. cũng thực hiện xuất cấp hàng DTQG để thực hiện nhiệm vụ.

Nhìn chung, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát huy hiệu quả xã hội của hoạt động DTQG

Đánh giá về hiệu quả của công tác xuất cấp hàng DTQG, ông Phạm Phan Dũng cho biết, trước hết là việc xuất gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học kỳ I năm học 2015-2016 đã xuất cấp trên 40.000 tấn hỗ trợ cho 537.640 học sinh tại 48 tỉnh, thành.

Việc các em học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ gạo, có lương thực đủ ăn trong thời gian theo học là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định giúp cho số lượng học sinh theo học ngày càng tăng (mỗi năm tăng thêm khoảng 50.000 học sinh), các em có đủ sức khỏe tập trung học tập, là yếu tố cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Tiếp đến là việc xuất cấp gạo hỗ trợ người dân tham gia trồng và giữ rừng trong những năm vừa qua đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt; thông qua việc thực hiện dự án trồng rừng đã từng bước cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi môi trường sống có lợi cho con người; hệ thống rừng được tạo lập sẽ tạo nên môi trường xanh, góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế;

Việc xuất cấp các loai: vắc xin, hóa chất và thuốc sát trùng , các loại hạt giống lúa, ngô, rau… đã góp phần chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh phát sinh, lan rộng; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, chiến sỹ.

Hơn nữa, đối với công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, việc hỗ trợ trang thiết bị DTQG cho các quân binh chủng, đã góp phần phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn trong năm cũng như đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; góp phần giữ vững chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng, hiện nay, quy mô DTQG ngày càng có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,21 % GDP, rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra đến năm 2015 tổng mức GDP đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Với tổng mức DTQG như hiện nay thì việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng./.