Phát triển nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, phục vụ giai đoạn phát triển mới
Phát triển nguồn nhân lực về kế toán - kiểm toán là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Tài chính đặt ra Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bài viết trao đổi về thực trạng nguồn nhân lực kế toán kiểm toán, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực về kế toán - kiểm toán, góp phần thực hiện thành công Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
Thực trạng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán
Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), tính đến ngày 27/4/2023, số lượng kiểm toán viên hành nghề đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán là 2.166 người, đăng ký hành nghề tại 214 doanh nghiệp kiểm toán.
Trong khi đó, về lĩnh vực kế toán, tính đến ngày 28/04/2023, có trên 420 kế toán viên hành nghề đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và trên 200 doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã làm thay đổi tư duy, phương thức đào tạo nhân lực kế toán. Các hình thức đào tạo mới ra đời như: E-learning, mobile-learning, đào tạo từ xa… đã xuất hiện và từng bước khẳng định được vai trò so với phương thức đào tạo truyền thống cũng như hỗ trợ đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán chất lượng cao.
Bên cạnh việc được đào tạo nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo chính thức, người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ và đã được trang bị thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến việc ứng dụng công nghệ mới.
Nắm bắt được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, nhiều cơ sở giáo dục đã nhanh chóng tham khảo các chương trình đào tạo ngành Kế toán, kiểm toán của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; ứng dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế; đưa vào chương trình giảng dạy một số môn học của các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế.
Các cơ sở đào tạo cũng nỗ lực cập nhật theo sự thay đổi của chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy các kiến thức sát với yêu cầu thực tiễn. Tính đến tháng 6/2022, đã có 223 tổ chức cấp bằng cao đẳng về kế toán, 126 tổ chức cấp bằng đại học, 18 tổ chức cấp bằng thạc sĩ và 5 tổ chức cấp bằng tiến sỹ về kế toán. Hằng năm, có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, số học viên được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành Kế toán cũng đạt khoảng trên 3.000 học viên (Nguyễn Lộc, 2022).
Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, với sự hoạt động có hiệu quả của các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước như Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), CPA Australia… không chỉ đóng góp vào việc củng cố, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực kế toán – kiểm toán mà còn giúp kết nối công việc của những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Xu hướng phát triển nghề nghiệp của những người làm kế toán đã ngày càng rõ nét hơn thông qua việc người làm kế toán tiếp tục học tập và đào tạo để có được các chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế. Vai trò, vị thế của người làm công tác kế toán, kiểm toán trong xã hội cũng được đề cao.
Tồn tại, hạn chế
Hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến các thách thức cho nguồn nhân lực kế toán-kiểm toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đặc biệt, để hoàn thành được một trong những nội dung quan trọng của mục tiêu tổng quát trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 là “phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực” thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Theo các chuyên gia, dù hiện nay, hầu hết các trường đều có chuyên ngành kế toán – kiểm toán nên về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt số lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại là vấn đề rất đáng quan tâm. Hiện nay, tình trạng đào tạo tràn lan, rất nhiều cơ sở đào tạo mở thêm ngành kế toán, kiểm toán để thu hút người học, trong khi chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Sinh viên ít được tiếp xúc với thực tế tại DN mà chỉ được tham gia ở góc độ kiến tập, việc đánh giá mức độ hiểu biết, tiếp cận thực tiễn công tác kế toán ở đơn vị thực tập của sinh viên còn nhiều hạn chế. Phương pháp đào tạo kế toán tại Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống như thuyết trình, diễn giảng, ít có sự tương tác. Số lượng sinh viên ra trường có tỷ lệ thất nghiệp, làm không đúng chuyên ngành đào tạo cao, dù nhiều DN luôn có nhu cầu tuyển dụng vị trí kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh đó, theo Đinh Thế Hùng (2022), nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện có những hạn chế nhất định như: kiến thức và tư duy của người làm kế toán chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ; tính chủ động, sáng tạo còn hạn chế; tác phong làm việc và tư duy làm việc còn chưa thực sự chuyên nghiệp. Đáng lưu ý, một bộ phận không nhỏ người làm kế toán có tư duy an phận, ít nỗ lực phấn đấu về chuyên môn và phát triển sự nghiệp.
Đề xuất giải pháp
Hội nhập quốc tế và tác động của CMCN 4.0 dự báo sẽ tạo ra “làn sóng” dịch chuyển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong khu vực; đồng thời, tạo ra một môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và gay gắt trên thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao. Để đáp ứng được bối cảnh mới, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030, đặc biệt là tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán - kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các DN, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, có giải pháp hỗ trợ để nâng cao trình độ và hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ kế toán làm việc trong các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
- Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới, đến năm 2030 đạt số lượng 15.000 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên.
- Phối hợp rà soát và kiểm tra chất lượng của các cơ sở có đào tạo ngành kế toán, kiểm toán một cách hợp lý, khoa học, tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở có thế mạnh về các ngành, giải thể các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Đối với Hội nghề nghiệp
- Nâng cao nhận thức cho các hội viên về việc tiếp tục tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác kế toán – kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
- Phối hợp với các bên liên quan trong việc cập nhật kiến thức; quan tâm, khuyến khích các hội viên tham gia các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức nghề nghiệp hàng đầu trên thế giới để kết nối các xu hướng, kinh nghiệm, thông lệ quốc tế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán
- Tham gia đóng góp ý kiến về nhu cầu, định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong quá trình hội nhập kinh tế. Phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục bổ sung thêm các nội dung về những điểm mới khi áp dụng công nghệ số vào công tác kế toán, kiểm toán vào chương trình học giúp sinh viên sắp tốt nghiệp có những kết nối thông tin và kỹ năng về kỹ thuật số.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động. Tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thực tiễn, đánh giá kết quả sinh viên tại cơ sở đào tạo.
Đối với cơ sở đào tạo
- Đổi mới cả nội dung và chương trình đào tạo cử nhân kế toán, kiểm toán ở các cơ sở đào tạo, trên cơ sở bám sát các tác động của công nghệ số, CMCN 4.0 đến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
- Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về kế toán, kiểm toán quốc gia để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo hiện có để các cử nhân ra trường có một nền tảng về kiến thức, kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sử dụng và hội nhập với nguồn nhân lực quốc tế.
- Tăng cường liên kết và phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước, các DN trong việc xây dựng chương trình cũng như trong quá trình đào tạo; giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế ngay từ những năm đầu học tập. Điều này sẽ giúp sinh viên tìm hiểu, tiếp cận với ngành nghề, công việc sớm để có thể thích ứng ngay với các yêu cầu nghề nghiệp và sự thay đổi trong quá trình làm việc.
- Yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và trước những yêu cầu mới trong hội nhập, trước sự khởi phát của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có sự đổi mới rất căn bản về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cử nhân kế toán và kiểm toán. Do vậy, cần đẩy nhanh việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán - kiểm toán.
Đối với đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên
- Tăng cường nâng cao kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)… và tăng cường thi lấy chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
- Chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ khoa học công nghệ để thích ứng với các vấn đề mới như chứng từ điện tử, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh...
- Cần chú trọng đến các kỹ năng mềm như giao tiếp, kết nối, hợp tác, thương lượng, thuyết phục, lãnh đạo…, góp phần phát triển kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm cũng như tầm nhìn của các kế toán viên, kiểm toán viên. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc trau dồi, phát triển khả năng ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng mà kế toán viên, kiểm toán viên cần hướng đến bởi không chỉ phục vụ cho hiệu quả công việc mà còn tạo tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động, tạo cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt hơn...
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030;
- Nguyễn Lộc (2022), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế. Báo Kiểm toán;
- Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Thị Huyền (2020), Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán tại Đà Nẵng. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 207, Tháng 12/2020;
- Một số website: mof.gov.vn, thuvienphapluat.vn...