Quan hệ cân bằng dài hạn giữa mức độ độc lập của ngân hàng trung ương và lạm phát tại Việt Nam
Dựa vào dữ liệu lạm phát thu thập từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chỉ số độc lập của ngân hàng trung ương được tính toán theo Cukierman (1992), bài viết sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (ECM) để đo lường tác động dài hạn của mức độ độc lập của ngân hàng trung ương đến lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020. Kết quả cho thấy, chỉ số độc lập của ngân hàng trung ương và tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có quan hệ nghịch chiều trong dài hạn.
Cơ sở lý thuyết
Theo lý thuyết số lượng tiền tệ, lý thuyết chu kỳ kinh doanh chính trị và lý thuyết lựa chọn công cộng, mức độ độc lập của ngân hàng trung ương (NHTW) có khả năng tác động lên tỷ lệ lạm phát theo 3 hướng sau: (i) Sự e ngại áp lực chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) và các áp lực chính trị khác đến NHTW; (ii) Quyết tâm theo đuổi các mục tiêu dài hạn của NHTW; (iii) Quan điểm dân chủ truyền thống của châu Âu.
Theo lý thuyết chu kỳ kinh doanh chính trị, để đạt hiệu quả bầu cử và các hiệu ứng chính trị tích cực cho đảng phái, các chính trị gia có xu hướng lặp đi, lặp lại việc thay đổi cách điều tiết các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ (CSTT) theo trình tự nới lỏng - thắt chặt - nới lỏng... Theo đó, diễn biến vĩ mô của nền kinh tế, trong đó có tỷ lệ lạm phát cũng sẽ mang tính chu kỳ và bị ảnh hưởng bởi các quyết định này.
Hiện thực hóa điều này, các chính trị gia sẽ lựa chọn và ra các quyết định điều hành vĩ mô ít vì lợi ích của nền kinh tế xét trong dài hạn, ví dụ như tạo thành tích kinh tế để chứng minh họ đã đạt được các cam kết tranh cử. Khi đó, việc Chính phủ kiểm soát và chi phối hoạt động của NHTW là điều kiện quan trọng. Nếu NHTW phụ thuộc Chính phủ, các chính trị gia buộc phải thực thi CSTT không hoàn toàn theo ý họ mong muốn, kết quả dẫn đến các biến số vĩ mô diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.
Ngược lại, mô hình NHTW độc lập với Chính phủ sẽ giúp các chính trị gia chuyên tâm hơn trong việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát giá cả và ổn định tiền tệ hiệu quả, nghĩa là tình trạng lạm phát sẽ ổn định và tích cực hơn.
Phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm đều xác nhận tác động tiêu cực về mức độ độc lập của NHTW đối với lạm phát và đây là quan điểm khá truyền thống. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu kết luận rằng, tác động này là không mạnh mẽ và rõ ràng, thậm chí còn phủ nhận sự ảnh hưởng nói trên (Bảng 1).
Mô hình và dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (ECM) để kiểm định quan hệ cân bằng dài hạn giữa mức độ độc lập của NHTW và lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 1990-2020 nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho khả năng tác động tiêu cực của mức độ độc lập này đối với tỷ lệ lạm phát.
Nghiên cứu thu thập dữ liệu lạm phát (INF) theo tần suất quý trong giai đoạn 1990-2020 từ nguồn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Dữ liệu chỉ số độc lập của NHTW (CBI) được tác giả tính toán cho từng quý theo Cukierman (1992) dựa trên cơ sở các văn bản luật có liên quan trong giai đoạn 1990-2020. Tác giả cũng thực hiện kiểm định nghiệm đơn vị đối với INF và CBI để đảm bảo 2 chuỗi cùng dừng tại sai phân bậc 1.
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định quan hệ đồng liên kết: Tác giả sử dụng phần mềm Eviews 8 để ước lượng phương trình đồng liên kết: INFt = β1 + β2CBIt + ut, từ đó có được kết quả ước lượng tại Bảng 2.
Kiểm định nghiệm đơn vị đối với phần dư u. Kết quả cho thấy, phần dư là chuỗi dừng I(0) tại mức ý nghĩa 10% do trị tuyệt đối của thống kê kiểm định (5.087789) lớn hơn trị tuyệt đối bác bỏ tại mức ý nghĩa 10% đối với trường hợp có 4 bậc trễ. Như vậy, giữa CBI và INF có tồn tại quan hệ đồng liên kết hay quan hệ cân bằng dài hạn.
Phương trình cân bằng dài hạn lúc này là:
INF = 51.27906 -116.5762CBI.
Phương trình này hàm ý rằng, chỉ số độc lập của NHTW và tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có quan hệ nghịch chiều trong dài hạn. Mức độ độc lập của NHTW tăng lên sẽ cải thiện tỷ lệ lạm phát ở mức CBI tăng 1% sẽ làm INF giảm 116, 58%.
Xây dựng và ước lượng mô hình ECM: Sử dụng phần mềm Eviews 8 để ước lượng mô hình ECM có dạng: ∆INFt = γ0 + ∆CBIt + ECt-1 + Vt, ta có được kết quả ước lượng tại Bảng 4.
Hệ số ước lượng của sai số hiệu chỉnh là -0.065278, có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, điều này khẳng định mối quan hệ trong dài hạn giữa mức độ độc lập của NHTW và tỷ lệ lạm phát. Mức điều chỉnh về cân bằng dài hạn là 6,53%, nghĩa là nếu INF tăng so với cân bằng dài hạn ở giai đoạn trước là 100 đơn vị, thì ở giai đoạn này sẽ điều chỉnh giảm 6,53 đơn vị. Ngoài ra, kết quả ước lượng cũng cho thấy, trong ngắn hạn, mức độ độc lập của NHTW không tác động nhiều đến tỷ lệ lạm phát.
Kết luận và hàm ý chính sách
Mức độ độc lập của NHTW và tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có quan hệ nghịch chiều trong dài hạn. Khi NHTW tăng dần tính độc lập trong điều hành CSTT tiền tệ đối với Chính phủ thì khả năng kiểm soát lạm phát sẽ tốt hơn và làm cho lạm phát giảm trong dài hạn. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với cơ sở lý thuyết và tương đồng với các kết quả nghiên cứu thực nghiệm trước đây.
Mô hình NHTW độc lập là xu thế rõ ràng và phổ biến trên thế giới, vì những lợi ích trong việc tăng cường khả năng kiểm soát lạm phát của NHTW.
Hiện tại, mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn tương đối thấp. Để cải thiện mức độ độc lập này, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Một là, xác định rõ mục tiêu hoạt động cho NHTW. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, vì mục tiêu rõ ràng thì NHTW mới có thể kiểm soát được rủi ro trong lĩnh vực mình quản lý. Hơn nữa, việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu sẽ hạn chế năng lực và tính chủ động của một NHTW.
Hai là, NHTW phải thực sự độc lập trong việc ra các quyết định điều hành CSTT và lựa chọn công cụ điều hành. Thống đốc NHNN phải được trao quyền quyết định việc thực thi các CSTT và tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó mà không phải thông qua Chính phủ.
Ba là, NHTW cần độc lập hơn trong quan hệ với ngân sách.
Hiện nay, Việt Nam luôn đặt mục tiêu kiềm chế làm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc NHTW độc lập hơn trong quan hệ với ngân sách sẽ giúp Chính phủ và các bộ liên quan dễ dàng trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức Quốc hội cho phép, qua đó ổn định được thị trường tiền tệ nói chung và kinh tế vĩ mô nói riêng.
Bốn là, trao cho NHTW quyền chủ động quyết định về tài chính và độc lập tương đối về mặt nhân sự.
Năm là, nâng cao tính độc lập và tự chủ của Ngân hàng Nhà nước đối với các mục tiêu và quyết định chính sách phải đi kèm với trách nhiệm giải trình đầy đủ và minh bạch thông tin.
Sáu là, thiết lập các quy định pháp lý về mối quan hệ giữa NHTW với Chính phủ nhằm bảo đảm hoạt động của NHTW hỗ trợ tốt cho các chương trình kinh tế của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hương Giang (2011), Sự độc lập của Ngân hàng Trung ương và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, Nghiên cứu Hoạt động khoa học công nghệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, truy cập tại http://www.sbv.gov.vn;
2. Phạm Thị Tuyết Trinh, Đỗ Hoàng Oanh, Lê Minh Sơn và Nguyễn Văn Tùng (2016), Kinh tế lượng ứng dụng trong kinh tế và tài chính, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
3. Alesina, A. and Summers, L.H. (1993), Central Bank Independence and Macroeconomic Performance: Some Comparative Evidence, Journal of Money, Credit and Banking, Vol.25, No.2, May 1993, The Ohio State University Press;
4. Cukierman, A., Webb, S.B. and Neyapti, B. (1992), Measuring the Independence of Central Banks and Its Effect on Policy Outcomes, The World Bank Economic Review, Volume 6, Issue 3, 1 September 1992, Pages 353-398.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021