Năm 2017, ngành Thuế thu ngân sách vượt 3,4% dự toán
Năm 2017, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhờ đó kết quả thu ngân sách trong năm ước đạt 1.001.600 tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2017, thu nội địa ước đạt 951.600 tỷ đồng, bằng 102,3% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu từ cổ tức được chia và lợi nhuận chia lại ước đạt 70.700 tỷ đồng, bằng 117,8% dự toán, bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2016; thu tiền sử dụng đất ước đạt 121.000 tỷ đồng, bằng 190% dự toán, tăng 22,5% so cùng kỳ năm 2016. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận chia lại và xổ số ước đạt 732.250 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Thu từ dầu thô ước đạt 50.000 tỷ đồng, bằng 130,5% dự toán, bằng 124,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân thu từ dầu thô vượt dự toán và tăng khá so với cùng kỳ năm 2016 là do giá bình quân dầu thô năm 2017 duy trì ở mức 55,2 USD/thùng, tăng 5,2 USD so với giá dự toán, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thanh toán ước đạt 14.080 nghìn tấn, vượt 1.800 nghìn tấn so với dự toán.
Đạt được kết quả trên là do Tổng cục Thuế đã chú trọng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, kiểm soát việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định; tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bổ sung dự toán pháp lệnh, năm 2018, ngành Thuế bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống thất thu thuế, khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, phân tích nguồn thu, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu cho các Cục Thuế phù hợp các địa bàn, đảm bảo thu ngân sách năm 2018 tăng tối thiểu 3% so với dự toán pháp lệnh.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Thuế địa phương theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo số thu thuế hàng tháng, hàng quý sát với thực tế phát sinh.
Bên cạnh triển khai các giải pháp trên, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị thuế cần xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với cấp ủy và UBND các tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan Thuế để quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài theo quy định của Luật Quản lý thuế; thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018…