Quy định mới về cơ chế tài chính của Ban Thanh tra nhân dân

PV.

Thông tư số 63/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/06/2017 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Thông tư áp dụng cho các đối tượng là Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn;  Ban Thanh tra nhân dân ở  cơ quan nhà nước; Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập; Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước.

Thông tư quy định về mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với Ban Thanh tra nhân dân cấp xã: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, mức tối thiểu 5 triệu đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã để Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động.

Thứ hai, đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Thủ trưởng cơ quan nhà nước quyết định, bố trí trong phạm vi dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.

Thứ ba, đối với Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định, bố trí trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị, bao gồm dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, nguồn thu của đơn vị và số thu được để lại (nếu có).

Thứ tư, đối với Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước: Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp bố trí theo khả năng tài chính và được hạch toán vào các khoản chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Về nội dung chi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân Thông tư quy định gồm:

Chi tổ chức cuộc họp, hội nghị; Chi công tác phí phục vụ các cuộc giám sát, xác minh; Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, giám sát, xác minh vụ việc theo kế hoạch công tác được duyệt; Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị (nếu có); Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm; Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thông tư quy định rõ về mức chi bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân:

Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, chi công tác phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể thêm một số mức chi như sau: Chi bồi dưỡng báo cáo viên trong hội họp; chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch công tác được duyệt hoặc trong hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày.

Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm, các khoản chi khác: Theo thực tế phát sinh, theo hóa đơn thực tế và trong phạm vi kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được giao, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tiết kiệm, hiệu quả.

Thông tư số 63/2017/TT-BTC  thay thế cho Thông tư Liên tịch số 40/2006/TTLT-BTC-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN ngày 12/5/2006 của Bộ Tài chính - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.