Quyết liệt kiểm soát giao dịch ký quỹ
Nửa đầu năm nay chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán với những phiên giao dịch đạt 1,5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là từ dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) hiện đạt trên 100.000 tỷ đồng. Tuy vậy, việc sử dụng margin là con dao hai lưỡi, do đó thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm soát vấn đề này.
“Dòng tiền chủ yếu từ cho vay margin”
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, trong 6 tháng qua, thanh khoản trên thị trường bình quân đạt 21.000 - 22.000 tỷ đồng/phiên giao dịch. Trong đó, hai tháng gần đây thanh khoản thông thường đạt hơn 1 tỷ USD/phiên, cá biệt có những phiên lên tới 1,5 tỷ USD. Số lượng tài khoản mở mới (F0) cũng tăng mạnh với 500.000 tài khoản.
Ông Tô Giang Nam - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) cho rằng dòng tiền này từ nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) - hết quý I, 10 quỹ ETF đầu tư tại Việt Nam thu hút được 8.700 tỷ đồng; và nhà đầu tư F0 - nhưng không lớn. Thống kê lượng tiền sẵn sàng giao dịch của các nhà đầu tư F0 tính đến cuối quý I.2021 là khoảng 85.000 tỷ đồng, chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn thực tế hết quý I/2021, dư nợ margin (nguồn tiền công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư) khoảng 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với quý liền kề, ông Tô Giang Nam cho rằng đây là dòng tiền chính thúc đẩy thị trường bùng nổ.
Nguồn tiền vay mà công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư một phần đến từ vốn chủ sở hữu, song phần lớn từ hoạt động tín dụng công ty chứng khoán vay của ngân hàng, một phần khác là huy động thành công trái phiếu ngắn hạn và dài hạn.
Theo đó, năm 2020, nhiều công ty chứng khoán đã huy động thành công vốn qua kênh này, như Công ty Rồng Việt huy động hơn 1.400 tỷ đồng, Công ty SHS huy động hơn 1.100 tỷ đồng và đang dự kiến phát hành 1.500 tỷ đồng trong năm nay.
Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán phát hành khoảng 500 - 700 tỷ đồng như Công ty Bản Việt, Dầu khí… Đây là nguồn tiền bổ sung kịp thời giúp thanh khoản giao dịch tỷ USD thời gian qua.
Sợ nhất là cho vay margin không đúng
Nhìn nhận về triển vọng 6 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán không thể tách biệt mà đồng hành với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Phạm Vũ Thăng Long, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giá triển vọng thị trường cần nhìn vào chỉ số lợi nhuận (PI). Tính đến 29.5, chỉ số này đạt 19,1 lần dựa trên kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất, tiệm cận với mức PI của năm 2017 - 2018 vào khoảng 21 lần.
Tuy vậy, trong 6 tháng tới, chỉ số này sẽ phụ thuộc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III và quý IV. Quý III sẽ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và có cơ hội phục hồi trong quý IV nếu như việc tiêm vaccine được đẩy mạnh, mở cửa lại đường bay quốc tế sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là khối dịch vụ. Điều này cũng sẽ đồng pha với thị trường chứng khoán.
Mặt khác, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng song khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt hơn sẽ làm dòng tiền quay trở lại thị trường. Đặc biệt, tính ổn định của đồng Việt Nam so với USD sẽ là yếu tố cốt lõi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Long cho hay: Trong 10 năm qua, nhiều đồng tiền của các thị trường mới nổi biến động tới 20 - 30%, trong khi tiền Việt Nam chỉ biến động trong khoảng 2%. Với nền tảng vĩ mô tốt như vậy sẽ có sự đảo chiều dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, dù chậm hơn song cũng hứa hẹn họ quay trở lại thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Còn theo ông Tô Giang Nam, xu hướng của thị trường sẽ liên quan nhiều đến sự di chuyển của dòng tiền. Hiện dòng tiền margin của nhiều công ty chứng khoán đã gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Thời gian tới, việc bổ sung vốn này sẽ chững lại. Một số công ty chứng khoán sẽ giảm tỷ lệ cho vay để đáp ứng quy định. Với góc nhìn thận trọng, ông Nam cho rằng trong ngắn hạn, một số mã cổ phiếu đã tăng khá nóng, vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp nên tới đây sẽ có sự điều chỉnh để trở về đúng trị thực của doanh nghiệp.
Về dài hạn, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trong nước, trên thế giới hoạt động đầu tư, kinh doanh dần hồi phục sẽ giúp dòng chảy của tiền trong nền kinh tế dần trở lại nhịp bình thường. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong lộ trình tiến tới nâng hạng từ cận biên lên mới nổi cũng sẽ làm dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại nhiều hơn, qua đó giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, cho vay margin như con dao hai lưỡi: Khi thị trường chứng khoán diễn biến lên điểm thì ổn nhưng nếu đi xuống sẽ gây ra hiệu ứng không tốt. Thời gian qua, các công ty chứng khoán cũng nhận thức được điều này nên đã dùng hệ thống quản lý rủi ro, con người không thể can thiệp. Quy định pháp lý hiện cũng rất rõ ràng, đó là công ty chứng khoán không được cho vay margin quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh thị trường hiện nay với quy mô cho vay margin đạt hơn 100.000 tỷ đồng, dù dịch bệnh đã được kiểm soát song chưa thể lường trước được tình hình, vì vậy các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng bởi khi thị trường diễn biến theo chiều hướng đi xuống sẽ không chỉ ảnh hưởng đến công ty chứng khoán mà cả nhà đầu tư cũng như thị trường.
Cho rằng vấn đề đáng sợ nhất hiện nay là cho vay margin không đúng, ông Sơn đề nghị các công ty chứng khoán cần làm đúng quy định. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tái cấu trúc về hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm tra cho vay margin, bảo đảm cung cấp dịch vụ theo đúng quy định để bảo vệ công ty chứng khoán, nhà đầu tư và thị trường.