Quyết liệt thu hồi 34 nghìn tỷ đồng nợ thuế
Cam kết của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội sẽ thu được số tiền 34 nghìn tỷ đồng nợ đọng thuế đã và đang được hiện thực hoá tới từng cơ quan Thuế địa phương. Thời điểm này, toàn ngành Thuế gia tăng lực lượng và thực hiện các biện pháp mạnh đôn đốc thu hồi nợ.
Giao chỉ tiêu tới từng đơn vị
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ - Tổng cục Thuế Trịnh Hoàng Cơ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong tháng còn lại của năm bên cạnh việc tập trung chỉ đạo thu ngân sách, cơ quan Thuế sẽ tập trung lực lượng đôn đốc thu hồi nợ đọng để bảo đảm cân đối ngân sách. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm cuối năm.
Một trong những hành động cụ thể là ngay trong tháng 11, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như: Động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế; thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu, nộp của các ngành nghề, lĩnh vực có số nợ thuế lớn để đôn đốc thu nộp kịp thời số tiền nợ thuế vào ngân sách.
Đồng thời, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thu hồi nợ đọng tới các Cục Thuế lớn như: Hà Nội phải lo thu đủ 7.000 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 5.500 tỷ đồng và các Cục Thuế: Hải Phòng, Thái Bình, Đồng Nai, mỗi đơn vị phải hoàn thành thu nợ 500 tỷ đồng.
Bởi trước đó, theo danh sách 563 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả nước (số nợ là 11.720 tỷ đồng) mà Bộ Tài chính công bố vào đầu tháng 7 cho thấy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu cả nước có số nợ thuế lớn nhất. Cụ thể, Hà Nội có 192 doanh nghiệp với tổng số nợ thuế 4.348 tỷ đồng; tại TP. Hồ Chí Minh có 174 doanh nghiệp, với tổng số nợ thuế 3.000 tỷ đồng; còn lại 197 doanh nghiệp ở các địa phương khác, với tổng số tiền nợ thuế 4.371 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm 31/10/2015, tổng số nợ thuế, phí có khả năng thu hồi, bao gồm cả nợ cũ và nợ mới phát sinh là 31.690 tỷ đồng, giảm so với thời điểm 31/12/2014 là 4.855 tỷ đồng và giảm 2.734 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2015. Và kết quả, tính đến ngày 25/11/2015, đã có 347/563 doanh nghiệp nợ thuế đã nộp 2.093 tỷ đồng, bằng 17,86% so với số tiền thuế nợ phải thu.
Trong đó, cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu được 490 tỷ đồng, các doanh nghiệp tự nguyện nộp vào ngân sách 1.603 tỷ đồng; Có 43 doanh nghiệp (đạt 7,6%) đã nộp hết số tiền nợ thuế vào ngân sách, với số tiền thuế đã nộp là 868 tỷ đồng, bằng 7,4% so với tổng số tiền thuế nợ đã công bố. Do vậy, tổng số tiền thuế nợ còn phải đôn đốc vào ngân sách là 9.627 tỷ đồng.
Sẽ có bộ phận chuyên trách cưỡng chế nợ thuế
Để công tác đôn đốc, thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả, Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp ứng phó. Trước mắt cơ quan Thuế sẽ tăng cường cán bộ có kinh nghiệm làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đảm bảo tập trung thu hồi dứt điểm khoản nợ đọng hơn 34 nghìn tỷ đồng trong năm 2015.
Và một trong những biện pháp mà cơ quan Thuế sẽ làm liên tục đó là công khai thông tin doanh nghiệp có các khoản tiền thuế chậm nộp đã quá 121 ngày mà cơ quan Thuế đã sử dụng các biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Động thái này vừa phù hợp với quản lý, phù hợp với Luật Quản lý thuế vừa có tác động là khuyến khích các doanh nghiệp phải cố gắng thu xếp xóa nợ đọng, để thương hiệu của mình đẹp hơn. Bên cạnh đó, đối tác, khách hàng của doanh nghiệp nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rõ ràng hơn, để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp” - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nhìn nhận.
Về phía các Cục Thuế cũng xem đây là biện pháp hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác thu hồi nợ đọng. Đó cũng là lý do, vào cuối tháng 11 vừa qua Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai đợt 6 với danh sách 92 đơn vị nợ thuế đến ngày 31/10/2015, với tổng số tiền nợ 263,597 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có số nợ thuế trên 10 tỷ đồng.
Sau biện pháp công khai, cơ quan Thuế sẽ quyết liệt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định như: Trích tiền từ tài khoản; phong tỏa tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế; kê biên tài sản, thu tiền và tài sản của bên thứ ba; thu hồi giấy đăng ký kinh doanh; thu hồi mã số thuế đối với những đơn vị chây ỳ không nộp tiền thuế đúng hạn.
Những doanh nghiệp có dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; Dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng. Đối với các doanh nghiệp có số nợ lớn, cố tình chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất, không thực hiện dự án theo tiến độ phê duyệt, cơ quan Thuế đề xuất xử lý bằng biện pháp thu hồi đất và kiên quyết không giao thêm dự án mới.
Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để tiến tới thực hiện ban hành các quyết định cưỡng chế nợ thuế tập trung bằng phương thức sử dụng chữ ký số thống nhất từ cấp Tổng cục đến các Cục Thuế địa phương.
Trong nội bộ cơ quan Thuế sẽ gắn trách nhiệm thi đua khen thưởng năm 2015 của cán bộ công chức thuế và cán bộ lãnh đạo gắn với kết quả thu hồi nợ đọng thuế.
Về lâu dài, cơ quan Thuế các cấp sắp xếp, bố trí cán bộ nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý nợ thuế, đảm bảo tỷ lệ tổng số cán bộ làm công tác quản lý nợ thuế đáp ứng nhiệm vụ được giao và tiến tới tổ chức một bộ phận chuyên trách để tổ chức thực hiện cưỡng chế nợ thuế tại Tổng cục Thuế.