Sạch nợ tại VAMC liệu có dễ?
Nhiều nhà băng đặt mục tiêu sạch nợ tại VAMC trong năm nay, dù phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ thực hiện...
Nợ xấu cả nền kinh tế vẫn còn khoảng nửa triệu tỷ đồng
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến cuối năm 2018, tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Như vậy, với tổng dư nợ tín dụng ở mức hơn 7,21 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2018, ước tính quy mô nợ xấu của nền kinh tế lên tới khoảng 470 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,89%, tức tương đương với gần 140 nghìn tỷ đồng. Theo đó, còn lại khoảng 330 nghìn tỷ đồng là nợ đã bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Chưa rõ con số thực tế về dư nợ trái phiếu VAMC mà hệ thống TCTD đang nắm giữ, tuy nhiên, thống kê của chúng tôi từ 24 ngân hàng đã công bố BCTC Kiểm toán cho thấy không phải là con số nhỏ, lên tới hơn 126 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 0,5% so với cuối năm 2017. Khối nợ xấu được đẩy sang VAMC đã giúp bảng cân đối của các ngân hàng được đẹp hơn, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh những năm qua; nhưng không đồng nghĩa các ngân hàng đã thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ này.
Bởi một lượng lớn nợ xấu nằm trong kho VAMC đang đếm ngược thời gian để quay trở lại các nhà băng khi thời hạn 5 năm của trái phiếu đặc biệt đã cận kề. Chưa kể, hàng năm, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao ở mức 20% (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10% theo thời hạn trái phiếu 10 năm).
Ngoài ra, thực tế cho thấy công cuộc xử lý nợ xấu tại VAMC cũng gặp rất nhiều khó khăn và tiến độ chưa được như kỳ vọng của các TCTD, dù đã có sự phối hợp tích cực giữa các bên. Nguyên nhân không chỉ vì thị trường mua bán nợ, tài sản chưa thật sự hình thành, mà vì quá nhiều khoản nợ phức tạp trong khi nguồn lực của VAMC có hạn nên cũng không thể xử lý nợ nhanh được.
Đến thời ngân hàng đua nhau mua ngược nợ xấu đã bán cho VAMC
Vì lý do nói trên, trong 3 năm trở lại đây, các ngân hàng có xu hướng mua ngược lại nợ xấu, làm sạch nợ tại VAMC. Việc mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc Hội từ tháng 7/2017, trong đó cho các TCTD quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ là một giải pháp quan trọng.
Theo đó, đến cuối năm 2018, đã có 5 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC là Vietcombank, Techcombank, VIB, OCB, MBBank. Xu hướng này cũng đang tiếp tục lan rộng, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp, các ngân hàng có được lợi nhuận khá cao trong những năm qua.
Điểm nhấn trong kế hoạch kinh doanh năm nay, nhiều ngân hàng thể hiện quyết tâm xóa sạch nợ tại VAMC càng nhanh càng tốt, thậm chí có thể phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để thực hiện điều này.
Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của VPBank cho biết, năm 2019, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 9.500 tỷ đồng, tức chỉ tăng có 3% so với năm 2018. Đáng nói, đây là lần đầu tiên, đặc biệt là sau giai đoạn tăng trưởng theo hướng thẳng đứng từ 2014-2018, VPBank mới lại dè dặt đưa ra con số tăng trưởng 1 chữ số như vậy.
Và theo lý giải của VPBank, lý do đưa ra mục tiêu khiêm tốn này là vì ngân hàng muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Để mua lại nợ xấu đã bán, VPBank không cách nào khác là phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau khi đã trích lập xong thì các năm tới, khi nợ xấu được xử lý dứt điểm, phần dự phòng này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.
Tương tự, tại TPBank, năm nay ngân hàng cũng muốn mua lại toàn bộ hoặc một phần trái phiếu VAMC trong năm nay, tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Nhà băng này cũng muốn thành lập công ty AMC trong để xử lý nhanh chóng, dứt điểm nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Hay cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 12/4, Kienlongbank cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, trong đó đáng chú ý, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, tập trung đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và phấn đấu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước ngày 31/12/2019. Được biết, cuối năm 2018, số dư trái phiếu VAMC của Kienlongbank là 152 tỷ đồng.
Sạch nợ tại VAMC có dễ?
Như đã nói ở trên, giải pháp mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng không dễ thực hiện.
Chẳng hạn tại VietinBank, hồi cuối quý 2/2018, số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC đã về 0 nhưng sau đó ngân hàng đã phải tiếp tục bán thêm lượng lớn nợ xấu sang VAMC vào nửa cuối năm, nâng số dư lên đến hơn 13.400 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn cả đỉnh điểm 10.300 tỷ đồng số dư trái phiếu VAMC của VietinBank vào thời điểm cuối năm 2015.
Trên thực tế, muốn mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bản thân nợ xấu nội bảng của ngân hàng đó cũng phải đang ở mức thấp và có nguồn lực tài chính dồi dào cho việc trích lập dự phòng xử lý khối nợ sau khi nhận về. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà băng cho biết có thể phải hy sinh lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng. Ít lợi nhuận hơn, rõ ràng là điều khiến không ít cổ đông cảm thấy phật lòng.
Sau khi nhận về các khoản nợ xấu, công tác tự xử lý của các ngân hàng cũng chưa hẳn đã dễ dàng.
Mặc dù được trao nhiều quyền hơn trong việc thu giữ TSĐB, nhiều ngân hàng vẫn phản ánh việc chính quyền địa phương và cảnh sát khu vực không hỗ trợ trong công tác thu giữ. Một số UBND Phường từ chối hợp tác vì cho rằng chưa có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên. Bộ Công an vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách thức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác.
Hơn nữa, các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Do đó, việc tự xử lý của các ngân hàng cũng sẽ phụ thuộc vào thị trường bất động sản tốt lên hay xấu đi. Trong thời gian qua, nhiều khối bất động sản với giá trị từ vài trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng rao bán, dù nhiều lần hạ giá vẫn ế ẩm không có nhà đầu tư quan tâm. Chẳng hạn, 3 lô đất "khủng" ở khu vực phía Nam mà Sacombank rao bán trong 1 năm qua đã phải đại hạ giá tới gần 3.000 tỷ đồng.