Sàn giao dịch công nghệ, nền tảng cho hoạt động chuyển giao công nghệ


Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, qua sàn giao dịch công nghệ nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tìm kiếm, đầu tư đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhờ đổi mới công nghệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong nhứng năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự phát triển, lớn mạnh nhờ đổi mới công nghệ. Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ nhu cầu về công nghệ. Nguyên nhân là do chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời còn chưa thật sự tin tưởng vào việc hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp giải quyết ngay các vấn đề về công nghệ đang gặp phải; cũng có doanh nghiệp không muốn công bố thông tin về công nghệ, thiết bị do lo ngại việc đối thủ cạnh tranh tiếp cận công nghệ như mình...

Trước tình hình đó, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin nhanh hơn, nhiều địa phương đã thành lập sàn giao dịch công nghệ, tạo nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ. 

Tính đến hết năm 2019, trên cả nước có 13 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động và một số sàn giao dịch đang trong giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2015 - 2018, số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ qua sàn giao dịch công nghệ đã đạt trung bình 3.000 hợp đồng/năm.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động nghiên cứu mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung, cầu công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Ðến nay, Bộ đã tổ chức 10 kỳ hoạt động trình diễn và kết nối cung, cầu công nghệ tại các vùng trên cả nước. Qua đó, đã tiếp nhận 760 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp; tìm kiếm và cung cấp 3.100 thông tin về nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp; trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm; hỗ trợ kết nối 129 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhờ đổi mới công nghệ, như: Tập đoàn Sao Mai (An Giang) làm chủ công nghệ tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành các loại dầu thực phẩm và dầu công nghiệp, giúp tăng thêm 800 tỷ đồng giá trị sản phẩm mỗi năm; Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) ứng dụng quy trình tách tinh dầu dừa tinh khiết, tăng giá trị sản phẩm gấp bốn lần; Tập đoàn Việt Nam Food (TP. Hồ Chí Minh) đổi mới công nghệ để sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm, giúp giảm một phần ba giá thành sản phẩm…

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, nhằm tạo cú huých cho thị trường công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, cần xây dựng các sàn giao dịch công nghệ cấp quốc gia tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng với vai trò là tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông khoa học và công nghệ cần được tăng cường nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển công nghệ tới doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. 

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cũng cần tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của Bộ đang triển khai; Bộ cũng hỗ trợ các điểm kết nối cung, cầu tại các địa phương thông qua các giải pháp như: cung cấp cơ sở dữ liệu chuyên gia và nguồn cung công nghệ, hỗ trợ triển khai các sự kiện tư vấn trực tuyến, phối hợp triển khai các đoàn tư vấn tại địa phương...