Sản phẩm bảo hiểm liên kết qua ngân hàng tại Việt Nam


Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm nói riêng ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và dần khẳng định được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Từ đó, nhiều kênh phân phối bảo hiểm ra đời và các sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) cũng dần du nhập vào Việt Nam. Đây là kênh phân phối đầy tiềm năng, hứa hẹn có đóng góp tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khái niệm bảo hiểm liên kết qua ngân hàng

Bảo hiểm liên kết qua ngân hàng (Bancassurance) - một thuật ngữ tiếng Pháp (kết hợp giữa “Ngân hàng” và “Bảo hiểm”) hay bảo hiểm liên kết ngân hàng là việc các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình.

Có nhiều khái niệm về Bancassurance. Theo Gonulal S., Lester., Goulder N., 2012, Bancassurance là quá trình sử dụng các mối quan hệ khách hàng của một ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và nó đang nổi lên như một con đường tự nhiên cho sự phát triển hiệu quả của bảo hiểm.

Bancassurance là một hệ thống trong đó ngân hàng có một thỏa thuận với một doanh nghiệp bảo hiểm bán các sản phẩm bảo hiểm nhằm kiếm một nguồn thu nhập ngoài lãi (Shah H. A., Salim M., 2011). Bancassurance về cơ bản là việc cung cấp và bán các sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm của cùng một tổ chức dưới một mái nhà (Elkington W, 1993). Bancassurance có thể được mô tả như một chiến lược được thông qua bởi các ngân hàng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích để vận hành thị trường tài chính một cách ít nhiều tích hợp (Swiss RE, 1992).

Tựu chung, Bancassurance có thể được hiểu một là việc các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của mình. Việc tham gia của ngân hàng có thể ở nhiều cấp độ khác nhau. Nói một cách đơn giản, đó là việc ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm.

Lịch sử phát triển của bảo hiểm liên kết qua ngân hàng

Bancassurance xuất hiện đầu tiên ở Pháp và Tây Ban Nha vào những năm đầu của thập kỷ thứ VIII, thứ IX và thế kỷ XX. Ở Pháp vào thời gian đó, các tổ chức Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm chung chính thức được phép bắt đầu các hoạt động. Đây được coi là bước ngoặt trong lịch sử bảo hiểm. Các tổ chức trên tìm cách vượt qua khâu trung gian trong bảo hiểm bảo vệ các khoản cho vay để tự bảo hiểm cho các khách hàng của ngân hàng. Đó cũng là tiền thân của Bancassurance.

Năm 1971, Ngân hàng Crédit Lyonnais mua lại Tập đoàn Médicale de France và đến năm 1993 ký kết thỏa thuận để Tập đoàn Union des Assurances Fédérales độc quyền bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới của Crédit Lyonnais. Tại Tây Ban Nha, vào năm 1981, Tập đoàn Banco De Bilbao đã giành được phần lớn cổ phần trong Euroseguros SA (một Công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm có nguồn gốc là La Vasca Aseguradora SA, thành lập năm 1968).

Tuy nhiên, ban đầu sự kiểm soát của tập đoàn chỉ là về mặt tài chính, bởi vì thời đó luật pháp Tây Ban Nha cấm các ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Quy định cấm được dỡ bỏ vào năm 1991 và sau đó nhóm 5 Công ty Bancassurance hàng đầu của Tây Ban Nha (Vida Caixa, BBVA, SHC Seguros, Aseval, Mapfre Vida) đã kiểm soát 1/3 thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Ở châu Á, bancassurance chỉ thực sự thu hút sự chú ý của Ngân hàng Korean sau khi Chính phủ Hàn Quốc cho phép triển khai vào năm 2003. Còn tại Thái Lan, năm 2004, Fortis ký hợp đồng với Tập đoàn Muang Thai cho việc bán cả hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và sau đó còn nắm giữ 25% cổ phần của Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai.

Bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng cũng đã dần phát triển ở nhiều nước châu Á khác như Singapore, Malaysia... Hiện nay, bancassurance là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường châu Á, đồng thời là kênh phân phối hàng đầu trong thị trường bảo hiểm này.

Lợi ích của bảo hiểm liên kết ngân hàng

Bancassurance mang lại lợi ích cho ngân hàng, cho các doanh nghiệp bảo hiểm, cho cả khách hàng và cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể:

Đối với ngân hàng

Bancassurance giúp cho ngân hàng có thêm sản phẩm mới để cung cấp cho khách hàng nhưng lại không đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần của ngân hàng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng duy trì khách hàng và thu hút thêm khách hàng mới. Hoạt động bancassurance đã tạo thêm nguồn thu nhập mới từ hoa hồng bảo hiểm cho tổ chức ngân hàng và các nhân viên ngân hàng.

Ngoài ra, việc bán các sản phẩm bảo hiểm đồng thời với dịch vụ cho vay tín dụng còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro không thu hồi được các khoản nợ khi không may có rủi ro xảy đến với người vay tiền tại ngân hàng. Bancassurance còn giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn huy động thông qua việc thu phí bảo hiểm từ khách hàng và thông qua thỏa thuận hợp tác trong đầu tư giữa ngân hàng và bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có lợi thế tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ của các ngân hàng và bán bảo hiểm cho họ thông qua mạng lưới phân phối của ngân hàng mà không cần phát triển hệ thống chi nhánh và nhân viên bảo hiểm.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm có thể có được nguồn thông tin quý giá về khách hàng của ngân hàng và giúp doanh nghiệp bảo hiểm có được cơ hội mới trong kinh doanh. Sử dụng kênh phân phối qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiết kiệm được chi phí so với việc sử dụng các kênh phân phối truyền thống là đại lý hay môi giới bảo hiểm.

Đối với khách hàng

Nếu khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trong mô hình bancassurance sẽ được hưởng lợi mức từ mức phí bảo hiểm thấp hơn (do doanh nghiệp bảo hiểm tiết kiệm được chi phí) và các dịch vụ tài chính trọn gói phù hộ nhất với nhu cầu của mình mà họ có thể không có được nếu như ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động riêng rẽ với nhau.

Đối với cơ quan Nhà nước

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng thực hiện mô hình bancassurance sẽ giúp các cơ quan này thuận lợi hơn trong việc quản lý đối với: Các tổ chức, đơn vị thực hiện kinh doanh bảo hiểm vì có đơn vị đầu mối triển khai; Danh mục các sản phẩm bảo hiểm khai thác; Doanh thu khai thác bảo hiểm; Quản lý được nguồn thu thuế (giá trị gia tăng, thu nhập…), phí (đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề…) với loại hình kinh doanh bảo hiểm này… Quan trọng nhất, hiện nay kênh phân phối bancassurance là kênh phân phối giúp cho thị trường bảo hiểm nói riêng và thị trường tài chính nói chung ngày càng phát triển.

Thị trường bảo hiểm liên kết ngân hàng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, bancassurance đã bắt đầu phát triển trong 10 năm trở lại đây và tiềm năng phát triển trong thời gian tới là khá cao khi ngân hàng sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp với danh sách khách hàng truyền thống, cùng một hệ thống công nghệ thông tin đủ sức đáp ứng những yêu cầu của ngành bảo hiểm. Tuy vậy, đến nay, mô hình liên kết này vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn tại thị trường Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ trọng doanh thu kênh bancassurance hiện chiếm khoảng 3,3% tổng doanh thu bảo hiểm cả nước (bảo hiểm nhân thọ 5,36% và bảo hiểm phi nhân thọ là 0,62%). Số lượng ngân hàng triển khai Bancassurance ngày càng tăng lên nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

Bản thân các ngân hàng hiện vẫn ít cởi mở với doanh nghiệp bảo hiểm trong vấn đề hợp tác. Nhiều ngân hàng triển khai bancassurance chỉ để giải quyết về mặt hình ảnh, chứ chưa có tầm nhìn chiến lược hướng tới hiệu quả thật sự. Thậm chí có những ngân hàng đang chỉ tập trung đòi hỏi quyền lợi trước mắt như hoa hồng cao, tiền gửi lớn. Một lý do khiến các ngân hàng e dè với doanh nghiệp bảo hiểm là do ngại liên kết và chia sẻ danh sách khách hàng của mình.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều công ty bảo hiểm lại tăng cường bán hàng qua kênh này. Tính đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó: 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trung bình giai đoạn 2007 - 2020 là 18%/năm, trong đó: bảo hiểm phi nhân thọ tăng trung bình 13%/năm; bảo hiểm nhân thọ tăng trung bình 22%/năm. Tỷ lệ doanh thu phí của kênh bancassurance trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng mạnh qua các năm, cụ thể: Năm 2014 đạt 2,7%; năm 2015 đạt 4,27%; năm 2016 đạt 5,94%; năm 2017 đạt 7,58%; năm 2018 đạt 11,93%, năm 2020 đạt hơn 30%. Những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã bắt đầu thành lập bộ phận bancassurance và đẩy mạnh hoạt động này.

Hiện tại, đã có 18/29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 9/14 công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai bancassurance. Hiệu quả nhìn chung vẫn còn thấp, tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là một kênh phân phối nhiều tiềm năng. Không thể phủ nhận việc phát triển bancassurance đang là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Cơ hội phát triển lâu dài

Trên thế giới, mô hình bancassurance đã nhanh chóng chứng tỏ sự hiệu quả, được đánh giá là một trong những liên kết mang lại hiệu quả cho cả 3 bên khách hàng – ngân hàng - công ty bảo hiểm. Khách hàng có nhu cầu về bảo hiểm có thể tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao cùng với sự an tâm về dịch vụ được cung cấp, các công ty bảo hiểm có thể tận dụng được lợi thế mạng lưới rộng khắp và đa dạng của hệ thống ngân hàng. Về phía ngân hàng, ngân hàng có thể trở thành một siêu thị tài chính đúng nghĩa, cung cấp hầu hết các nhu cầu về tài chính cho khách hàng. Với dư địa tăng trưởng thị trường lớn như vậy, bancassurance đang được nhiều ngân hàng hướng tới khai thác.

Tại Việt Nam, bancassurance đang dần được coi là kênh phân phối chuyên nghiệp thứ 2 sau kênh phân phối truyền thống là đại lý. Thời điểm hiện tại, sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại đã vượt qua giai đoạn tận dụng hệ thống, mạng lưới, khách hàng của nhau để tăng thị phần, doanh số. Sự hợp tác này đã có những bước tiến mới, các hợp đồng đại lý bảo hiểm dài hạn và độc quyền đã bắt đầu được ký kết giữa 2 bên ngày một nhiều, đi cùng với nó là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, kế hoạch trau dồi năng lực, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nhân viên để cùng nhau phát triển dài hạn. Những năm gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu đưa bảo hiểm vào danh mục các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình và xem bancassurance là một yếu tố cấu thành thu nhập phí thuần từ các dịch vụ thu phí của họ. Điều này cho thấy thị trường bancassurance tại Việt Nam đang có bước chuyển lớn.

Với những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, độ “chín” của thị trường và hỗ trợ của cơ quan quản lý, trong vài năm tới, dự báo, tỷ lệ đóng góp của bancassurance tại Việt Nam sẽ tương đương với các nước trong khu vực ASEAN và ước tính nằm trong khoảng 50% tổng doanh số ngành Bảo hiểm. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng cho phát triển kênh bancassurance. Kênh phân phối này sẽ tiếp tục phát triển, giúp gia tăng giá trị cho các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và quan trọng nhất là gia tăng lợi ích cho khách hàng. Hy vọng, với những lợi ích của kênh phân phối bancassurance cùng với thị trường bảo hiểm Việt Nam đầy tiềm năng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tận dụng tốt cơ hội để khai thác sản phẩm qua kênh phân phối này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thi Nhung và Nguyễn Thái Liêm, 2012, Bancassurance tại các Ngân hàng Thương mại Việt Nam từ góc độ sự hài lòng của khách hàng;
  2. Gonulal S., Lester., Goulder N., 2012;
  3. W Elkington - Chartered Building Societies Institute Journal, 1993;
  4. Shah H. A., Salim M., 2011;
  5. Swiss RE, 1992.

* ThS. Nguyễn Thị Ái Linh - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022