Sẽ gắn IPO doanh nghiệp nhà nước với việc đăng ký giao dịch trên UPCoM
(Tài chính) Nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng thực hiện quy định về việc đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường tập trung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành ra công chúng, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, cùng với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở đang quyết liệt thúc đẩy các công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường tập trung sau cổ phần hóa.
Phó tổng giám đốc HNX
Việc gắn IPO với đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM là một giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và giám sát các công ty đại chúng, tăng cường tính công khai, minh bạch của DN và thị trường, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng phương án chi tiết để trình UBCKNN, Bộ Tài chính phê duyệt.
Theo phương án này, việc gắn hoạt động IPO với việc đưa các DN lên đăng ký giao dịch trên UPCoM dự kiến sẽ được áp dụng đối với DNNN cổ phần hóa bán đấu giá ra bên ngoài từ 10 tỷ đồng trở lên. Dự kiến, ngay sau khi DN hoàn thành việc bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài, cổ phiếu sẽ được đăng ký lưu ký và giao dịch trên thị trường UPCoM. Thời gian kể từ khi hoàn tất đợt đấu giá đến khi cổ phiếu có thể giao dịch trên UPCoM sẽ được rút ngắn lại. Qua đó, góp phần làm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư tham gia IPO và thúc đẩy quá trình cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Nghị quyết của Chính phủ thông qua. Theo tính toán sơ bộ, dự kiến trong năm 2014 và 2015, sẽ có trên 400 DNNN tiến hành IPO. Lộ trình đưa những DN này đăng ký giao dịch trên sàn tập trung sẽ được thực hiện ra sao theo quy định mới, thưa ông?
Bản thân tên gọi của phương án là gắn đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch đã thể hiện sự gắn kết giữa việc đấu giá và đưa cổ phiếu vào giao dịch. Do đó, việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM gần như sẽ gắn liền với lộ trình IPO của các đơn vị.
Trên thực tế, đã có nhiều DN nộp hồ sơ nhưng vẫn chưa mặn mà với việc niêm yết, trong khi đó nhiều DN đang niêm yết cũng có xu hướng xin hủy niêm yết tự nguyện hoặc bị hủy niêm yết. Quy định mới nếu chính thức được ban hành sẽ tác động ra sao đến nhóm DN này và cả thị trường, theo ông?
Đúng là vẫn còn những DN vì một vài lý do nên ngần ngại khi tham gia niêm yết hoặc đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, lợi ích từ việc tham gia thị trường mang lại cho các DN, đặc biệt là các DNNN cổ phần hóa là rất lớn. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu sở hữu, các DN này sẽ phải thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tiếp cận với cách quản trị công ty hiện đại, tăng cường công khai minh bạch thông tin DN.
Tôi cho rằng, việc các DN chưa mặn mà tham gia thị trường chỉ mang tính thời điểm, giai đoạn, về lâu dài, các DN cũng sẽ nhận thấy lợi ích của việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch.