Sẽ mạnh tay nếu kinh doanh qua mạng “phớt lờ” thuế

Theo baohaiquan.vn

Tuy đã “rốt ráo” triển khai thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng, song số lượng cá nhân đến đăng ký với cơ quan Thuế vẫn còn quá ít so với kỳ vọng. Bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích, các cơ quan Thuế đang dần tính đến các giải pháp mạnh tay hơn để đảm bảo công bằng.

Các cá nhân kinh doanh online có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Ảnh: H.V.​​​
Các cá nhân kinh doanh online có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Ảnh: H.V.​​​

Vẫn còn “hoang mang”

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan Thuế địa phương triển khai việc thu thuế đối với kinh doanh online. Đến nay, Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM đã gửi thông báo đến hơn 26.000 chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế. Các thông báo này đã có các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan Thuế.

Trao đổi với Báo Hải quan, chị Nguyễn Thùy Trang (Văn Phú, Hà Đông) là một nhân viên văn phòng mở cửa hàng chuyên về mỹ phẩm xách tay trên facebook để làm thêm cho hay, thời điểm bắt đầu kinh doanh cách đây 2 năm, chị đã chủ động tìm hiểu các thủ tục về thuế và đi đăng ký kinh doanh. Do doanh thu không lớn nên cửa hàng của chị chỉ phải nộp một khoản thuế môn bài cố định không lớn nên chị khá ung dung trước những thông tin gần đây.

Trong khi đó, sau khi nhận được tin nhắn, anh Hoàng Đình Sơn (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) chuyên bán hàng nông sản sạch đã lập tức lên mạng tìm hiểu. “Cách đây vài hôm, tôi cũng đọc bài phỏng vấn một chuyên gia thuế trên Báo Hải quan và được biết, nếu tổng doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thì được miễn thuế.  Mặt hàng tôi kinh doanh có giá thành khá rẻ. Việc bán hàng cũng chỉ là công việc tay trái, doanh thu mỗi tháng không lớn nên tôi đã yên tâm hơn nhiều. Tôi sẽ ra Chi cục thuế để làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong tuần này” - anh Sơn chia sẻ.

Tuy vậy, “hoang mang” vẫn là tâm lý chung của khá nhiều cá nhân đang hoạt động theo loại hình này. Chị Đào Quỳnh Trâm (Thụy Khuê, Tây Hồ), cho biết, 3 năm qua, chị quyết định không đi làm mà ở nhà nhập các mặt hàng nội địa của Nhật, từ quần áo thời trang, đồ gia dụng đến đồ điện tử để bán trên facebook. Tuy chưa nhận được thông báo của cơ quan Thuế, song, qua truyền hình, chị cũng nắm được thông tin về việc phải đăng ký và nộp thuế.

Với kiến thức về thuế có hạn nên chị Trâm vẫn đang băn khoăn không biết mình có thuộc đối tượng phải nộp thuế không, nếu có thì phải nộp bao nhiêu và làm những giấy tờ gì. Mang một nỗi lo khác, chị Lê Thị Tươi (Dịch Vọng, Cầu Giấy), chuyên bán thời trang trẻ em lại có tâm lý “muốn ì nhưng lại sợ”. Chị Tươi đã nhận được tin nhắn của Cục Thuế Hà Nội nhưng tự nhận thấy doanh thu và số lãi hàng tháng không lớn nên “chắc là” không cần phải đi kê khai với cơ quan Thuế. Mặc dù vậy, chị vẫn lo sẽ bị xử phạt nếu cơ quan Thuế phát hiện được.

Nên tự giác

Cho biết về những giải pháp mà Cục Thuế Hà Nội đang triển khai, ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng cho biết: Đơn vị đã xây dựng Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn. Qua nghiên cứu đặc điểm của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì người bán hàng trên các trang mạng facebook, youtube, zalo,... có thể sở hữu một hoặc nhiều tài khoản khác nhau để quảng cáo hoặc bán hàng, việc mua bán chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt.

Ngoài ra, một số người kinh doanh trên mạng như một việc làm thời vụ để tăng thêm thu nhập. Đặc thù của kinh doanh online là hình thức kinh doanh dựa trên hạ tầng về công nghệ thông tin, do đó cơ quan Thuế cũng sẽ sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu hiệu để quản lý thuế đối với hoạt động này.

Cục Thuế Hà Nội xác định để quản lý loại hình kinh doanh trên mạng trước mắt cần để người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình, vì vậy Cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định của Luật Quản lý thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Cơ quan Thuế sẽ tổ chức quản lý giám sát, đối với trường hợp cố tình không đăng ký thuế sẽ thực hiện các giải pháp thu thập, xác minh thông tin để quản lý theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng: Trước mắt, việc tuyên truyền, khuyến khích để các cá nhân tự đăng ký là quan trọng nhất. Song, đến một thời điểm nhất định, các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vẫn không đăng ký thì cơ quan Thuế sẽ buộc phải dùng đến các biện pháp được phép như thanh tra, kiểm tra, thậm chí là cưỡng chế thuế để đưa các hộ, cá nhân kinh doanh vào một mặt bằng có kỷ cương, lập lại bình đẳng về thuế.

Tốt hơn hết, các hộ, các DN đã nhận được thông báo của cơ quan Thuế thì nên tự giác kê khai thay vì để cơ quan Thuế phải áp dụng các biện pháp "cứng". Thực tế, bên cạnh việc huy động nhân lực thanh tra, kiểm tra sẵn có, cơ quan Thuế còn có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác như cơ quan quản lý truyền thông, tổ chức tín dụng, thậm chí có thể phối hợp với an ninh dữ liệu mạng để khôi phục những dữ liệu mà các cá nhân cố ý xóa đi để tính toán lại doanh thu nộp thuế để truy thu. “Khi các cá nhân, DN đã không tự nguyện thì việc truy thu thuế còn kèm theo cả tiền phạt từ 1 đến 3 lần, khá là nặng. Do đó, các cá nhân, các DN nên tự giác đăng ký, kê khai thuế theo hướng dẫn của cơ quan Thuế” - bà Cúc nhấn mạnh.