Sự cần thiết của việc áp dụng kế toán số tại các doanh nghiệp Việt Nam
Kế toán số đang được rất nhiều doanh nghiệp hiện nay quan tâm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính, cũng như tư duy kỹ thuật số để thực hiện số hóa công việc kế toán. Triển khai kế toán số là một quy trình phức tạp. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là đưa ra các bằng chứng đáng tin cậy về sự cần thiết phải áp dụng kế toán số tại các doanh nghiệp.
Kết quả tổng quan các nghiên cứu liên quan và tổng quan ý kiến của các chuyên gia đã cho ta thấy được nhiều lợi ích thiết thực khi doanh nghiệp áp dụng kế toán số thành công, từ đó khẳng định áp dụng kế toán số tại các doanh nghiệp hiện nay rất cần thiết.
1. Đặt vấn đề
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay, chuyển đổi số là một cụm từ được nhiều tổ chức quan tâm và chú trọng. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp cho việc thu thập và xử lý thông tin trở nên dễ dàng hơn, tạo cơ hội cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý (Zybery và Rova, 2014).
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm và muốn thay đổi. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội vào tháng 8/2020, vấn đề chuyển đổi số và quản trị số đã thu hút sự quan tâm của gần 90% doanh nghiệp, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số chỉ khoảng 40%, do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, tư duy kỹ thuật số (Nguyễn Thị Ngọc Anh, 2020).
Đồng thời hiện nay, việc nghiên cứu về chuyển đổi số, cụ thể là kế toán số tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này của tác giả được thực hiện với mục tiêu cung cấp thêm nhiều bằng chứng đáng tin cậy về tính hữu ích của kế toán số, từ đó khẳng định sự cần thiết của việc áp dụng kế toán số tại Việt Nam; đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cụ thể khi triển khai kế toán số tại Việt Nam.
2. Khái niệm về kế toán số
Theo Quattrone (2016), kế toán số là quá trình số hóa và tự động hóa các quy trình kế toán dựa trên các công nghệ hiện đại. Việc vận dụng kế toán số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như thời gian phê duyệt các hoạt động, khóa sổ, lập báo cáo được rút ngắn hơn; phạm vi hoạt động rộng hơn, thời gian cung cấp các dịch vụ nhanh hơn; giảm tỷ lệ sai sót trong các hoạt động; tiết kiệm chi phí thuê nhân viên kế toán, chi phí lưu trữ hồ sơ; nâng cao hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán và đồng thời nâng cao tính bảo mật thông tin (Deshmukh, 2006).
3. Sự cần thiết của việc áp dụng kế toán số tại Việt Nam
Công nghệ thông tin ngày nay là một phần của mọi doanh nghiệp, công nghiệp 4.0 đang không ngừng phát triển và các công ty không theo kịp các công nghệ mới sẽ dần dần biến mất. Cũng giống như các lĩnh vực kinh doanh khác, kế toán và kiểm toán sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi sử dụng số hóa để tổ chức, xử lý và đánh giá dữ liệu tài chính, từ đó nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí, thời gian.
Các công việc tốn thời gian và lặp đi lặp lại sẽ được tự động hóa, trong tương lai kế toán và kiểm toán sẽ thực hiện một công việc có giá trị cao hơn, đồng thời chuyển đổi sang nhiều vai trò cố vấn hơn trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh, với chuyên môn cụ thể hơn (Forbes, 2018). Điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, vì kế toán là một phần quan trọng và cốt lõi trong sự thành công của một công ty, chúng ta đã nhìn thấy những thất bại trong lĩnh vực này đã xóa sổ một số công ty lớn như Enron và Worldcom.
Hơn nữa, một trong những cách thức nâng cao tính minh bạch của các công ty và thị trường tài chính là phổ biến thông tin qua mạng điện tử (Internet), (Bonson và Escobar, 2006). Trong đó, kế toán số đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, tính hữu ích của thông tin kế toán và hiệu quả của các quyết định chiến lược (Phornlaphatrachakorn và Na Kalasindhu, 2021). Sự tiến bộ của công nghệ thông tin cho phép nhiều hoạt động của kế toán được thực hiện thông qua máy móc, ví dụ như quản lý chi phí, xử lý các khoản phải thu và phải trả, quản lý hóa đơn,… Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể công việc kế toán tại các doanh nghiệp.
Việc số hóa kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán sẽ được tạo điều kiện thuận lợi bởi các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến và nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng các xu hướng chính trong việc phát triển báo cáo tài chính và kiểm toán bao gồm việc tích hợp vào môi trường kỹ thuật số, các phương pháp làm việc với dữ liệu lớn và chuyển đổi sang báo cáo trực tuyến (Ageeva và cộng sự, 2021). Các công việc kế toán tốn thời gian có thể thực hiện thông qua các máy móc, công nghệ hiện đại, điều này sẽ giúp các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán có thể tập trung vào việc cung cấp nhiều giá trị hơn cho khách hàng của họ, giảm chi phí và thời gian đầu tư vào một số công việc nhất định (Fernandez và Aman, 2018). Đồng thời, việc triển khai kế toán số tại các doanh nghiệp sẽ giúp họ dễ dàng lập hồ sơ, quy trình, giảm bớt tỷ lệ xảy ra sai sót, cung cấp số liệu chính xác hơn về hiệu suất của quy trình, đồng thời cải thiện chất lượng báo cáo và hiệu quả trong quá trình ra quyết định (Appelbaum và cộng sự, 2017; Kokina và Blanchette, 2019; Zakaria, 2021).
Trong tương lai sắp tới, công việc của kế toán và kiểm toán viên sẽ đòi hỏi phải sử dụng các hệ thống thông tin tiên tiến và trí tuệ nhân tạo để thực hiện một số nhiệm vụ, ví dụ như phân tích, báo cáo và thực hiện các kết quả đầu ra theo mong muốn. Do đó, có thể nói rằng các nhiệm vụ liên quan đến kế toán quản trị và kế toán tài chính chịu ảnh hưởng hoặc phát triển do kết quả của chính cuộc cách mạng kỹ thuật số (Kruskopf và cộng sự, 2020). Vì thế, để nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt được các công nghệ hiện đại, kế toán cần phải học hỏi các kỹ năng mới một cách liên tục (Daugherty và Wilson, 2018).
Như vậy, với các nghiên cứu và ý kiến đã được đưa ra và có thể khẳng định rằng áp dụng kế toán số tại các doanh nghiệp là một điều rất cần thiết và phải thực hiện nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay.
4. Các khuyến nghị
Như đã trình bày ở trên, kế toán số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, vì vậy, tác giả khuyến nghị các doanh nghiệp tại Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi số nhằm tạo sự phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của mình trên thị trường. Để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công, sự hỗ trợ từ chính phủ trong quá trình triển khai vận dụng kế toán số thông qua các quy định, chính sách và khung pháp lý là một nội dung quan trọng hàng đầu (Wong và cộng sự, 2019; Phạm Minh Đức, 2020).
Đầu tiên, Chính phủ nên đề ra kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về những lợi ích nổi bật mà kế toán số mang lại như tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm liên quan về kế toán số dành riêng cho từng đối tượng.
Sau đó, ban hành lộ trình áp dụng các kỹ thuật số cơ bản trong các doanh nghiệp kèm theo các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp áp dụng các kỹ thuật cơ bản này; có cơ chế thanh tra, kiểm tra phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn có nhiều kinh nghiệm và đa số đủ nguồn lực tài chính cũng như nhân sự để thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nguồn lực về tài chính và nhân sự còn khá hạn chế, muốn thực hiện chuyển đổi số là một thách thức không nhỏ. Mà doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ lệ khá lớn, khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Vì vậy, tác giả kiến nghị chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ban hành những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ về mặt tài chính cũng như hỗ trợ đào tạo nhân sự cho các đối tượng này.
Đồng thời, sự đóng góp của các hiệp hội nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo cũng đóng một vai trò khá quan trọng.
Để triển khai kế toán số thành công, các doanh nghiệp rất cần một nguồn nhân lực có trình độ cao để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng một chương trình đào tạo mang tính đổi mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thể giới. Cụ thể, nên trang bị cho người học nhiều kiến thức và kỹ năng hơn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong chuyên ngành của mình.
Các hiệp hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp với nhau, giúp các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc áp dụng kế toán số tại doanh nghiệp mình; đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ với các hiệp hội nghề nghiệp trên thế giới, nhằm chuyển giao thêm nhiều tri thức và công nghệ hiện đại về chuyển đối số cho các doanh nghiệp trong nước.
5. Kết luận
Kế toán số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, một số công ty hiện nay đang đầu tư nhiều nguồn lực vào việc số hóa các quy trình kế toán nhằm tạo ra lợi thế kinh doanh đi đầu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên sớm có lộ trình áp dụng kế toán số phù hợp cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo:
1, Ageeva O., Karp M., Sidorov A. (2021). The application of digital technologies in financial reporting and auditing. In: Popkova, E. G., Sergi, B. S. (Eds.), Smart technologies for society, state and economy (pp. 167-218). Cham: Springer. https://doi.org/10.1007/978-3-030-59126-7_167. |
2. Appelbaum, D., Kogan, A., Vasarhelyi, M. A. (2017). Big data and analytics in the modern audit engagement: Research needs. Auditing: A Journal of Practice and Theory, 36(4), 1-27. https://doi.org/10.2308/ajpt-51684. |
3. Bonsón, E., Escobar, T. (2006). Digital reporting in Eastern Europe: An empirical study. International Journal of Accounting Information Systems, 7(4), 299-318. https://doi. org/10.1016/j.accinf.2006.09.001. |
4. Daugherty, P. R., Wilson, H. J. (2018). Human machine: reimagining work in the age of AI. USA: Harvard Business Press. |
5. Deshmukh, A. (2006). Digital accounting: The effects of the internet and ERP on accounting. London, UK: IRM Press. |
6. Fernandez, D., Aman, A. (2018). Impacts of Robotic Process Automation on Global Accounting Services. Asian Journal of Accounting and Governance, 9, 127-140. https://doi.org/10.17576/AJAG-2018-09-11. |
7. Forbes. (2018). The digital transformation of accounting and finance: Artificial intelligence, robots, and chatbots. Retrieved from: https://www.forbes. com/sites/bernardmarr/2018/06/01/the-digital-transformationof-accounting-and-finance-artificialintelligence-robots-and chatbots/#463edabe4ad8. |
8. Kokina, J., Blanchette, S. (2019). Early evidence of digital labor in accounting: Innovation with robotic process automation. International Journal of Accounting Information Systems, 35, 100431. https://doi.org/10.1016/j.accinf.2019.100431. |
9. Kruskopf, S., Lobbas. C., Meinander. H., Söderling. K., Martikainen. M., Lehner. O. (2020). Digital accounting and human factors: theory and practices. ACRN Journal of Financial and Risk Perspectives, 9, 78-89. https://doi.org/10.35944/jofrp.2020.9.1.006. |
10. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2020). Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bài học kinh nghiệm hậu Covid-19. Truy cập tại: http://donghanhviet.vn/news/3327/378/doanh-nghiep-nho-va-vua-bai-hoc-kinh-nghiem-hau-COVID-19/d,news_detail_tpl. |