Sửa đổi quy định về bảo hiểm hưu trí
(Taichinh) - Để cho bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện hấp dẫn khách hàng tham gia, Bộ Tài chính đã dự thảosửa đổi một số quy định về quyền lợi người bảo hiểm và điều kiện đại lý bán bảo hiểm hưu trí.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20-8-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện, Bộ Tài chính đề xuất, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, để triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ sử dụng các đại lý bảo hiểm đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp; Không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian hành nghề đại lý; Được đào tạo để bán sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Năm 2013 với việc ban hànhThông tư 115/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính kỳ vọng sự ra đời của loại hình Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đa dạng hóa loại hình hoạt động, làm phong phú thêm sản phẩm bảo hiểm, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm nguồn quỹ bảo hiểm hưu trí quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đi vào cuộc sống,sản phẩm nàyvẫn chưa được các công ty bảo hiểm mặn mà triển khai. Trong năm 2014, có 4 doanh nghiệp được phê chuẩn triển khai bảo hiểm hưu trí. Hiện AIA Việt Nam, PVI Sunlife hay Dai-ichi life Việt Nam đã và đang giới thiệu các sản phẩm hưu trí tự nguyện.
Dự kiến, sẽ có 10.000 người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, với tổng doanh thu phí bảo hiểm là 160 tỷ đồng.