Tác động từ FDI, chất lượng thể chế và lao động đến kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành phố Việt Nam
Bài viết nghiên cứu tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chất lượng thể chế và chất lượng lao động đến hiệu quả xuất khẩu của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu thứ cấp của 63 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2017-2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng lao động, chất lượng thể chế và FDI đều có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu các tỉnh thành Việt Nam. Theo đó, bài viết đề xuất các chính sách để thúc đẩy xuất khẩu ở Việt Nam.
Giới thiệu
Sau công cuộc “Đổi mới” năm 1986, Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đây được coi là bước ngoặt lớn của đất nước, chứng kiến sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, trong đó có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Trong công cuộc “Đổi mới”, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và mở cửa hầu hết các lĩnh vực kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 1987. Tận dụng nguồn lao động giá rẻ và cải thiện môi trường pháp lý, nhà nước Việt Nam đã dần thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến cuối năm 2022, vốn FDI đăng ký lũy kế của Việt Nam đạt gần 81 tỷ USD, với khoảng 9.500 dự án. Đây là mức tăng gấp 45 lần cả về vốn FDI và số lượng dự án so với đầu những năm 1990.
Một khía cạnh thành công nữa của quá trình “Đổi mới” là việc thực hiện cơ chế định hướng xuất khẩu, thông qua nhiều công cụ chính sách như thành lập khu chế xuất, gỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, giảm vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường và khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho nền kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới để hỗ trợ các ngành định hướng xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, nội thất và nông nghiệp.
Bài viết này góp phần bổ sung vào cơ sở lý thuyết và thực tiễn về thương mại với trọng tâm là tác động của FDI, chất lượng thể chế và chất lượng lao động đến hiệu quả xuất khẩu. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu cấp tỉnh trong những năm gần đây (2017-2022), cho phép cung cấp tác động chi tiết cũng như đề xuất các chính sách ở cấp độ địa phương.
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu bảng gồm OLS, FEM, REM và GLS, đã được các nghiên cứu trước áp dụng. Dữ liệu thứ cấp của 63 tỉnh, thành phố được thu thập từ các nguồn đáng tin cậy ở Việt Nam bao gồm Tổng cục Thống kê, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tổng quan nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu
Mối quan hệ giữa FDI và kim ngạch xuất khẩu
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chứng minh mối tương quan giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hiệu quả xuất khẩu. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn và Xing (2008) chỉ ra rằng, FDI là một trong những yếu tố chính thúc đẩy và tạo điều kiện mở rộng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, trong đó, dòng vốn FDI tăng 1% sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng 0,13%.
Do (2022) nghiên cứu tác động của cả vốn trong nước và nước ngoài đến xuất khẩu trong ngắn hạn và dài hạn, giai đoạn từ 1985 đến 2020. Kết quả kiểm định mối quan hệ nhân quả Granger cho thấy, FDI tác động tích cực đến tăng trưởng xuất khẩu cả trong ngắn hạn và dài hạn trong khi đầu tư trong nước chỉ có tác động tích cực trong dài hạn. Vì vậy, tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H1: FDI có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu
Mối quan hệ giữa chất lượng thể chế và kim ngạch xuất khẩu
Các nghiên cứu gần đây về thương mại đã nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chất lượng thể chế trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, ủng hộ ý tưởng rằng thể chế và chính phủ được cải thiện sẽ thúc đẩy sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới (Bilgin và cộng sự, 2018).
Ở Việt Nam, một số nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đến hiệu quả xuất khẩu, cho rằng PCI cao hơn hàm ý môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, chi phí kinh doanh thấp hơn, chất lượng dịch vụ công cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng suất (Le và Duy, 2021). Vì vậy, tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H2: Chất lượng thể chế có tác động tích cực đến hiệu quả xuất khẩu
Mối quan hệ giữa chất lượng lao động và hiệu quả xuất khẩu
Chất lượng lao động là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu quả xuất khẩu của một quốc gia hay một địa phương. Chất lượng lao động cao hơn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, sự đa dạng và đổi mới của các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, đồng thời tăng giá trị gia tăng và thị phần (Bandyopadhyay, 2020).
Một số nghiên cứu cho thấy, chất lượng lao động có tác động tích cực đến hiệu suất xuất khẩu của các ngành công nghệ cao và thâm dụng kỹ năng, nhưng lại có tác động tiêu cực đến hiệu suất xuất khẩu của các ngành sử dụng nhiều lao động và công nghệ thấp (Zhang và cộng sự, 2023).
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng, chất lượng lao động có tác động tích cực đến hiệu suất xuất khẩu của cả các nước phát triển và đang phát triển, nhưng tác động này mạnh hơn ở các nước đang phát triển (Brambilla và Porto, 2016). Vì vậy, tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H3: Chất lượng lao động có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu
Phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Để xem xét tác động của FDI, chất lượng thể chế và chất lượng lao động đến kim ngạch xuất khẩu của địa phương, nghiên cứu ước lượng mô hình sau:
EXit = β0 + β1*FDIit + β2*PCIit + β3*LQit + εit
Trong đó:
i = 1, 2, 3,…, 63 tỉnh, thành phố
t = 2017, 2018,…, 2022 (6 năm)
Định nghĩa của các biến như sau:
- EXit là biến phụ thuộc biểu thị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh i tại thời điểm t.
- FDI là vốn FDI lũy kế của tỉnh i tại thời điểm t.
- PCIit là viết tắt của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo mức độ thuận lợi trong kinh doanh của khu vực tư nhân ở các tỉnh thành.
- LQit là chất lượng lao động được biểu thị bằng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên 15 tuổi của tỉnh i tại thời điểm t.
- εit là sai số.
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu bảng tĩnh bao gồm Bình phương tối thiểu thông thường (OLS), ước lượng cố định (FEM), ước lượng ngẫu nhiên (REM) và Bình phương tối thiểu tổng quát (GLS) để giải thích tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài, chất lượng thể chế, và chất lượng lao động đến kim ngạch xuất khẩu.
Các biến trong mô hình và nguồn dữ liệu
Nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp cho dữ liệu bảng của 63 tỉnh, thành phố trong thời gian 6 năm (2017-2022), tương ứng với 378 quan sát (63x6). Biến phụ thuộc là EX (kim ngạch xuất khẩu) được lấy từ Báo cáo thường niên Xuất nhập khẩu Việt Nam (2017-2022) do Bộ Công Thương công bố hàng năm. Về các biến giải thích, số liệu vốn FDI đăng ký lũy kế được trích từ Niên giám thống kê do Tổng cục Thống kê xuất bản hàng năm; chất lượng lao động (LQ) được tính bằng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên 15 tuổi cũng được thu thập từ Niên giám Thống kê (Tổng cục Thống kê). Chất lượng thể chế được đo bằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được tổng hợp từ báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (2017-2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành. Chi tiết thống kê mô tả các biến được thể hiện trong Bảng 1, gồm giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị tối thiểu, giá trị tối đa và số lượng mẫu quan sát được sử dụng trong nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu
Phân tích tương quan
Bảng 2 thể hiện ma trận tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc cũng như giữa các biến độc lập. Hệ số tương quan dương với mức ý nghĩa thống kê 1% (p-value < 0,01) cho thấy, tất cả các biến độc lập FDI, PCI, LQ đều có tương quan dương với biến phụ thuộc EX. Tương tự, có mối tương quan dương giữa các biến độc lập nhưng hệ số < 0,8 nghĩa là hiện tượng đa cộng tuyến ít xảy ra.
Sử dụng kiểm định VIF trong Stata để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến, kết quả cho thấy, giá trị VIF < 3 chứng tỏ hiện tượng đa cộng tuyến không xảy ra. Theo đó, các biến độc lập đều phù hợp để sử dụng trong mô hình hồi quy.
Kết quả hồi quy
Để lựa chọn mô hình phù hợp trong 3 mô hình OLS, FEM và REM, tác giả sử dụng F-test và Hausman test, kết quả được trình bày ở Bảng 3. F-test có giá trị P- value = 0,000 < 0,05 nên ở mức ý nghĩa thống kê 5%, giả thuyết H0 không được chấp nhận, hay nói cách khác ước lượng từ mô hình FEM là phù hợp hơn. Tiếp theo, tác giả chạy 02 mô hình FEM và REM, sau đó sử dụng Hausman test để chọn ra mô hình tối ưu. Kết quả Prob > chi2 = 0,0082 < 0,05 cho thấy, với mức ý nghĩa thống kê 5%, H0 bị bác bỏ, mô hình FEM được chọn.
Để đảm bảo kết quả ước lượng từ mô hình FEM là đáng tin cậy, tác giả kiểm tra các khiếm khuyết có thể xảy ra trong mô hình.
Kiểm định Wald sửa đổi được sử dụng để kiểm tra hiện tượng phương sai thay đổi cho mô hình FEM, giá trị Prob>chi2 = 0,0000 < 0,05 cho thấy ở mức ý nghĩa 5%, H0 không được chấp nhận, kết luận rằng mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi.
Kiểm định Wooldridge được sử dụng để kiểm tra hiện tượng tự tương quan. Giá trị Prob > F = 0,0027 < 0,05 cho thấy ở mức ý nghĩa 5%, H0 bị bác bỏ, nghĩa là mô hình có hiện tượng tự tương quan.
Để khắc phục hiện tượng phương sai không đồng nhất và tự tương quan vẫn còn xảy ra trong mô hình FEM, phương pháp GLS được sử dụng.
Bảng 4 trình bày tóm tắt kết quả ước lượng từ các mô hình khác nhau, trong đó hệ số ước lượng từ phương pháp GLS được lựa chọn. Có thể viết lại phương trình như sau:
EX = -1320.6 + 0.647*FDI + 18.72*PCI + 19.25*LQ
Như vậy, kết quả hồi quy cho thấy, FDI, PCI và LQ đều có tác động tích cực đến EX.
Bảng 2: Ma trận tương quan |
||||
EX |
FDI |
PCI |
LQ |
|
EX |
1.0000 |
|||
FDI |
0.8009 0.0000 |
1.0000 |
||
PCI |
0.3223 0.0000 |
0.3345 0.0000 |
1.0000 |
|
LQ |
0.4492 0.0000 |
0.5161 0.0000 |
0.4476 0.0000 |
1.0000 |
Nguồn: Dữ liệu nghiên cứu của tác giả
Bảng 3: Kiểm tra sự tin cậy của các mô hình OLS, FEM, REM, GLS |
|
Kiểm định |
Kết quả |
F-test H0: Mô hình OLS phù hợp hơn mô hình FEM |
F(62, 312) = 122.09 Prob > F = 0.0000 < 0.05 Bác bỏ H0, FEM phù hợp hơn OLS |
Hausman test H0: Mô hình REM tối ưu hơn FEM |
Chi2(3) = 11.77 Prob > chi2 = 0.0082 < 0.05 Bác bỏ H0, FEM được lựa chọn |
Wooldridge test H0: không tự tương quan |
F(1,62) = 9.746 Prob > F = 0.0027 < 0.05 Bác bỏ H0, có hiện tượng tự tương quan |
Kiểm định Modified Wald cho phương sai thay đổi của mô hình FEM H0: Mô hình FEM không có hiện tượng phương sai thay đổi. |
chi2 (63) = 70961.04 Prob>chi2 = 0.0000 < 0.05 Bác bỏ H0, mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi |
Nguồn: Dữ liệu nghiên cứu của tác giả
Bảng 1: Thống kê mô tả |
|||||
Biến |
Quan sát |
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Nhỏ nhất |
Lớn nhất |
EX |
378 |
4526.255 |
21.04955 |
0 |
47545.54 |
FDI |
378 |
5962.463 |
10140.33 |
1.5 |
56247.9 |
PCI |
378 |
64.3267 |
3.077706 |
55.12322 |
75.08602 |
LQ |
378 |
21.04955 |
8.036112 |
8.2 |
50.3 |
Nguồn: Dữ liệu nghiên cứu của tác giả
Bảng 4: Kết quả ước lượng từ các mô hình OLS, FEM, REM, GLS |
||||
(1) Pooled OLS |
(2) Hiệu ứng cố định FEM |
(3) Hiệu ứng ngẫu nhiên REM |
(4) GLS |
|
FDI |
0.675*** (0.000) |
0.884*** (0.000) |
0.799*** (0.000) |
0.647*** (0.000) |
PCI |
151.1 (0.134) |
86.92** (0.019) |
100.2*** (0.006) |
18.72** (0.026) |
LQ |
32.49 (0.444) |
136.1*** (0.000) |
134.7*** (0.000) |
19.25** (0.010) |
constant |
-9899.0 (0.111) |
-9202.5*** (0.000) |
-9522.4*** (0.000) |
-1320.6** (0.019) |
R-sq |
0.645 |
0.628 |
||
N |
378 |
378 |
378 |
378 |
Giá trị p-values in dấu ngoặc đơn
* p<0.1, ** p<0.05, *** p<0.01
Nguồn: Dữ liệu nghiên cứu của tác giả
Kết luận và khuyến nghị
Nghiên cứu đã xem xét tác động của FDI, chất lượng thể chế và chất lượng lao động đến hiệu quả xuất khẩu tại các tỉnh của Việt Nam, sử dụng phương pháp tiếp cận dữ liệu bảng tĩnh với các phương pháp ước lượng Pooled OLS, FEM, REM và GLS. Kết quả cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chất lượng lao động (LQ) đều có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu cấp tỉnh (EX), nghĩa là việc tăng bất kỳ biến nào trong số này sẽ làm tăng hiệu suất xuất khẩu của một địa phương, giữ tất cả các biến khác không đổi.
Kết quả cũng chỉ ra rằng chất lượng lao động được đo bằng tỷ lệ lao động được đào tạo có hệ số lớn nhất (19,25), tiếp theo là chất lượng thể chế kinh tế được đo bằng PCI (18,72), rồi đến đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (0,64).
Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị chính sách được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu của một quốc gia hoặc một địa phương như sau:
Thứ nhất, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, chẳng hạn như giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe, để nâng cao kỹ năng, năng suất và hiệu quả của người lao động sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế, như giảm bớt các rào cản hành chính, tăng tính minh bạch, cung cấp dịch vụ công, thực thi hợp đồng và quyền tài sản, nhằm thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của khu vực tư nhân.
Thứ ba, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, như đưa ra các ưu đãi, cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư tăng vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường của khu vực xuất khẩu.
Một trong những hạn chế của nghiên cứu này là khoảng thời gian khá ngắn. Để điều tra xem liệu xu hướng tương tự có áp dụng cho khoảng thời gian dài hơn hay không, nghiên cứu trong tương lai có thể sử dụng bộ dữ liệu lớn hơn bao gồm nhiều năm để tăng phương sai theo thời gian. Hơn nữa, các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét đưa vào các biến độc lập khác để nâng cao khả năng giải thích của mô hình.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thương mại, Hà Nội, Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Niên giám thống kê, Tổng cục Thống kê Việt Nam (2023), https://www.gso.gov.vn;
- Do và cộng sự, (2022), The Effect of Foreign Direct Investment Inflow on Exports: Evidence from Vietnam, The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 9(2), 325–333;
- Bandyopadhyay, K. (2020), The impact of global labour standards on export performance. Sustainability Standards and Global Governance: Experiences of Emerging Economies, 113-129;
- Bilgin MH, Gozgor G, Demir E. (2018), The determinants of Turkey’s exports to Islamic countries: the impact of political risks. J Int Trade Econ Dev 27(5):486–503. https://doi.org/10.1080/09638199.2017.1396489;
- Brambilla, I., & Porto, G. G. (2016), High-income export destinations, quality and wages. Journal of International Economics, 98, 21-35;
- Le, N. P., & Duy, L. V. (2021), Effect of provincial competitiveness index on enterprise attraction in the Central Highlands, Vietnam. Plos one, 16(9), e0256525;
- Nguyen, T. X., & Xing, Y. (2008), Foreign direct investment and exports: The experiences of Vietnam. Economics of Transition, 16(2), 183–197;
- Zhang, F., Zhang, Q., & Wu, H. (2023), Robot adoption and export performance: evidence from Chinese industrial firms. Journal of Manufacturing Technology Management.