Kiểm toán môi trường hỗ trợ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Thanh An

Trước vấn đề môi trường hiện nay, kiểm toán môi trường (KTMT) đang được coi là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT. Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 quy định khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường.

Kiểm toán môi trường giúp giảm các rủi ro về môi trường
Kiểm toán môi trường giúp giảm các rủi ro về môi trường

Trên thế giới, KTMT được nhìn nhận như là một công cụ cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các đánh giá khả năng rủi ro về môi trường mà doanh nghiệp gây ra, nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, cũng như mức độ thỏa mãn đối với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ về môi trường.

KTMT giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp. KTMT còn là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT, góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức sản xuất - kinh doanh trong bảo vệ môi trường bền vững.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, môi trường đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Song song với quá trình phát triển của nền kinh tế công nghiệp thì môi trường cũng đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và kinh doanh sản xuất của con người. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra những vấn đề về theo dõi, đánh giá toàn diện môi trường để có thể kiểm soát ô nhiễm nhanh chóng.

Nội dung về KTMT đã được ghi nhận tại Điều 6, Luật BVMT năm 2014. Tiếp đó, Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể hơn về nội dung KTMT so với Luật BVMT năm 2014 với mục tiêu đặt ra là khuyến khích áp dụng công cụ KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu BVMT và nâng cao hiệu quả BVMT tại cơ sở.

Cụ thể, khoản 1 Điều 74 Luật BVMT năm 2020 quy định: “KTMT là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.”

KTMT giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp. Theo đó, khoản 2 Điều 74 Luật BVMT năm 2020 quy định nội dung chính của KTMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm: a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

Bên cạnh những quy định như trên, nội dung về KTMT trong Luật BVMT năm 2020 còn có những quy định phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Luật BVMT năm 2020 quy định khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện KTMT.

Về tự thực hiện KTMT, Khoản 3 Điều 74 Luật BVMT năm 2020 quy định: “Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện KTMT.”

Việc quy định như trên là phù hợp, không làm ảnh hưởng tới sự phát triển, không tạo thêm gánh nặng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Với việc tự nhận thức được những lợi ích mà KTMT mang lại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ chủ động lựa chọn và áp dụng KTMT như một giải pháp hiệu quả phục vụ quản lý môi trường.

Với mong muốn quy định KTMT được triển khai trong thực tế, cung cấp thêm kiến thức và hướng dẫn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tự thực hiện KTMT, Luật BVMT quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự KTMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khi được ban hành, đây được xem là tài liệu chính thức đầu tiên để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghiên cứu và áp dụng trong quá trình thực hiện KTMT tại cơ sở.