Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần gì?

TS. ĐỖ TẤT CƯỜNG - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam tập trung vào những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững như: Văn hóa doanh nghiệp; Đổi mới, sáng tạo; Hệ thống quản trị hiện đại... Bài viết phân tích nhu cầu hỗ trợ phát triển bền vững từ phía doanh nghiệp để thấy được nhu cầu này khá tương đồng với các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cũng cần có sự điều chỉnh, đổi mới để phù hợp hơn với thực tiễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần những điều kiện nào?

Các điều kiện để doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững có nhiều nhưng tập trung ở những điểm sau:

Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu kinh doanh của mình.

Khi đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, điều đầu tiên mà DN nghĩ đến là lợi nhuận, doanh thu và thời gian thu hồi vốn đầu tư. Do đó, DN sẽ hiểu rằng, để phát triển bền vững thì họ cần xác định cái gì sẽ đầu tư và cái gì sẽ không nên đầu tư để đạt được hiệu quả cao nhất.

Việc xác định lĩnh vực đầu tư hay ra quyết định đầu tư thuộc về trách nhiệm của DN mà Chính phủ không thể làm thay được.

Chính phủ có thể hỗ trợ cho DN trong tình huống này là cung cấp một hệ thống thể chế pháp lý hợp nhất và không có sự phân biệt đối xử hoặc ưu tiên tiếp cận nguồn lực để thực hiện mục tiêu của DN.

Thứ hai, xây dựng cho mình một hệ thống quản trị DN hiệu quả để giúp DN phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo.

Để giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài, DN nội địa cần có năng suất làm việc của người lao động trong DN cao và tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu cao. Ngược lại, DN nào có năng suất làm việc thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ khó có thể duy trì lâu dài.

Ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 90% DN sản xuất tư nhân được thành lập và phát triển bởi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Dưới sự dẫn dắt của những người lãnh đạo DN xuất thân từ thợ làm nghề, các DN này sẽ “nhanh chóng” phát triển và mở rộng sản xuất trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, khi quy mô DN mở rộng thì lãnh đạo DN không thể kiểm soát được hoạt động của DN bởi vì thiếu kỹ năng quản trị DN. Điều đó cho thấy, để giúp cho DN phát triển bền vững, người lãnh đạo DN không chỉ cần am hiểu về chuyên môn kỹ thuật mà còn nắm vững kỹ năng quản trị DN và thực hành linh hoạt, có tính nghệ thuật các kỹ năng đó.

Thứ ba, xây dựng, duy trì văn hóa DN, coi văn hóa DN là cái cốt lõi, nền tảng phát triển.

Văn hóa DN nên được hiểu là một vấn đề thực tiễn, là gốc rễ của mỗi DN thay vì coi đây như một vấn đề lý thuyết. Một DN nếu mất chiến lược có thể làm lại, mất kỹ năng có thể đào tạo lại, mất nhân tài có thể tuyển dụng lại nhưng mất văn hóa DN sẽ mất đi thương hiệu vĩnh viễn.

Thứ tư, quan tâm đến thương hiệu sản phẩm của mình và luôn luôn bảo vệ thương hiệu.

DN muốn đứng vững trong nền kinh tế và phát triển bền vững, lâu dài thì cần phải quan tâm đến thương hiệu sản phẩm của mình. Thương hiệu là giá trị vô hình nhưng nó có tỷ trọng lớn trong việc tạo lợi nhuận và giá trị cho DN. Các DN, không kể đến quy mô của mình, đều phải quan tâm phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nếu muốn DN mình phát triển bền vững.

Thứ năm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.

Đổi mới, sáng tạo mang tính chất sống còn đối với DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và đặc biệt trước làn sóng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra hiện nay.

Đổi mới, sáng tạo đối với DN không chỉ là việc sáng tạo ra những sản phẩm mới, công nghệ mới mà còn bao hàm cả việc thay đổi phương thức trao đổi giữa DN với khách hàng, cách thức chăm sóc khách hàng hay đơn giản là những thay đổi trong cách thức các nhân viên của DN giao tiếp với nhau hiệu quả hơn.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đã và đang thực hiện

Để tiếp tục hỗ trợ DN phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tập trung triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ đã triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia từ sớm.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Chương trình hướng tới xây dựng hình ảnh Việt Nam, sản phẩm Việt Nam với các giá trị "Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong".

Các giá trị này đã thể hiện mục tiêu hỗ trợ DN phát triển bền vững. Từ những thành tựu do Chương trình đem lại, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9224/VPCP-KTTH ngày 28/12/2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06/3/2012 về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia từ năm 2012 trở đi.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần gì? - Ảnh 1Trong đó, quy định rõ việc tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin, nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ hai, Chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa DN đối với phát triển bền vững DN.

Tại Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quy định ngày 10/11 hàng năm là ngày Văn hóa DN Việt Nam.

Việc tổ chức ngày Văn hóa DN Việt Nam hàng năm nhằm: (i) Khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa DN; (ii) Nâng cao nhận thức của cộng đồng DN về văn hóa DN Việt Nam và thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa DN trong cộng đồng DN và xã hội; (iii) Tôn vinh các DN có thành tích trong xây dựng và phát triển Văn hóa DN; (iv) Tạo dựng môi trường thượng tôn pháp luật của DN, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh.

Sự quan tâm này của Chính phủ đối với cộng đồng DN Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ DN phát triển bền vững, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, Nhà nước đã quan tâm đến việc luật hóa khung mô hình quản trị DN từ rất sớm bằng việc ban hành và áp dụng nhiều Luật liên quan đến quản trị DN.

Kể từ năm 1986 đến nay, thể chế pháp lý về DN được phân thành 2 giai đoạn phát triển: (i) Thể chế pháp lý quy định riêng rẽ, DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau chịu sự quy định của các luật khác nhau; (ii) Thể chế pháp lý quy định thống nhất, các DN chịu sự quy định của một luật thống nhất.

Việc luật hóa mô hình quản trị DN đã được Nhà nước quan tâm và phát triển từ sớm. Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra dành cho lãnh đạo 85 DN lớn ở Việt Nam gần đây cho thấy, nhiều bất cập trong nhận thức của lãnh đạo DN Việt Nam về khái niệm quản trị DN.

Chỉ có khoảng 23% số người được hỏi đã hiểu khái niệm và nguyên tắc cơ bản của quản trị DN. Đa số lãnh đạo DN được hỏi đã lẫn lộn giữa quản trị DN với quản lý tác nghiệp các công việc hàng ngày của DN.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo trong DN.

Ngày 01/11/2012, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TƯ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đó, ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 với nhiều mục tiêu cụ thể.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thông qua trong năm 2017 có quy định khá cụ thể các hình thức hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Luật đã tạo khung pháp lý hình thành Quỹ khởi nghiệp sáng tạo để góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DN khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ năm, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính gián tiếp và trực tiếp đối với DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần gì? - Ảnh 2Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hiện nay nước ta có gần 600 nghìn DN nhỏ và vừa, chiếm khoảng 98% tổng số DN cả nước. Nhận thức rõ vai trò của khối DN này, Nhà nước đã ban hành và triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho các DN nhỏ và vừa, bao gồm: (i) Miễn phí truy cập thông tin trên Cổng thông tin quốc gia; (ii) Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị DN; (iii) DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ mô hình kinh doanh được miễn phí lệ phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu và các mức hỗ trợ khác theo Luật định; (iv) Các khoản hỗ trợ tài chính khác theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017.

Những lĩnh vực doanh nghiệp cần Chính phủ hỗ trợ để phát triển bền vững

Bên cạnh các cơ chế, chính sách trên, cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo.

Đối với các DN khởi nghiệp sáng tạo: Các DN khởi nghiệp sáng tạo là những DN được xây dựng dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo nên cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN này phát triển bền vững có nhiều tính đặc thù hơn so với các DN hiện đang hoạt động. Chính phủ và chính quyền địa phương cần chú trọng vào những điểm sau đây:

- Duy trì và nhất quán chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi cả quốc gia, không có sự phân biệt ứng xử về mặt thể chế pháp lý, tiếp cận nguồn lực tài chính hay các nguồn lực khác.

- Xây dựng hành lang pháp lý và vận hành minh bạch các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các vườn ươm DN, cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

- Hỗ trợ hoặc tham gia vào việc hình thành những hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nắm bắt và tạo dựng môi trường tốt nhất cho DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững.

- Điều chỉnh chiến lược, chính sách phát triển khoa học công nghệ với trọng tâm đặt vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt đối với các DN có sử dụng những công nghệ và kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với các hoạt động đổi mới, sáng tạo của DN: Sự đổi mới, sáng tạo của các DN đảm bảo không chỉ gia tăng sức cạnh tranh mà còn giúp cho DN phát triển bền vững. Đổi mới, sáng tạo ở DN cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương. Sự hỗ trợ đó bao gồm:

- Cần xây dựng và duy trì mối quan hệ tương tác giữa Chính phủ và cộng đồng DN để nắm bắt và hiểu biết rõ ràng về những nhu cầu trợ giúp của DN trong thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Trên cơ sở những hiểu biết đó, cơ quan chức năng của Chính phủ mới xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực và đáp ứng được không chỉ nhu cầu của DN mà còn đạt được mục tiêu tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

- Chính phủ và chính quyền địa phương nên xây dựng cổng thông tin sáng tạo, đổi mới để các DN chia sẻ và tìm kiếm những giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quản trị DN, trong xử lý các vấn đề của chính bản thân DN.

- Chính phủ vận hành những chính sách hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo như tạo điều kiện để DN tiếp cận với các kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới về đổi mới, sáng tạo.

- Khuyến khích các DN tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đối với các DN ứng dụng những công nghệ tiên phong, Chính phủ có thể cân nhắc thiết lập những cơ chế, chính sách đặc thù, có ưu thế vượt trội để hỗ trợ.

Thứ hai, về hỗ trợ DN xác định mục tiêu phát triển.

Các cơ quan của Chính phủ và chính quyền địa phương cần có những chương trình hỗ trợ lãnh đạo DN trong xác định mục tiêu của DN mình. Việc xác định mục tiêu của DN thực chất là công việc của lãnh đạo DN nhưng Chính phủ và chính quyền địa phương có thể hỗ trợ thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực hoặc hướng dẫn.

Chính phủ tạo dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ một phần kinh phí và phân quyền cho chính quyền địa phương xây dựng, biên soạn tài liệu và tổ chức các khóa tập huấn xác định mục tiêu của DN cho các lãnh đạo DN tại địa phương mình, những hộ kinh doanh cá thể mong muốn thành lập DN hay các cá nhân mong muốn khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, về hỗ trợ DN xây dựng hệ thống quản trị hiện đại.

Chính phủ nên giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì xây dựng chương trình hỗ trợ toàn diện cho các DN trong xây dựng hệ thống quản trị DN hiện đại.

Chương trình hỗ trợ bao gồm các hợp phần sau: (i) Tập huấn cho các lãnh đạo DN có nhu cầu về hệ thống quản trị hiện đại, trong đó nhấn mạnh đến hệ thống quản trị tài chính DN, dựa trên những kinh nghiệm tốt nhất trong và ngoài nước; (ii) Xây dựng quỹ hỗ trợ DN trong chuyển đổi mô hình quản trị hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường; (iii) Xây dựng bộ tiêu chí chuẩn đánh giá mô hình quản trị DN hiện đại để làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN phát triển bền vững.

Thứ tư, về hỗ trợ DN phát triển văn hóa DN.

Hiệp hội phát triển văn hóa DN cần chủ động thực hiện các giải pháp thiết thực trong việc hướng dẫn và lôi cuốn DN xây dựng và phát triển văn hóa DN. Xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa DN dựa trên nền tảng giá trị và mục tiêu của DN có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển bền vững của DN.

Công việc này cần được tiến hành liên tục trong một thời gian dài. Xây dựng văn hóa DN có thể được tiến hành trong thời gian ngắn nhưng duy trì và phát triển văn hóa DN cần có thời gian dài hơn.

Hiệp hội phát triển văn hóa DN cần chủ động xây dựng và đề xuất tới các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ những chương trình, chính sách hỗ trợ DN trong xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa DN Việt Nam đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu của DN.

Thứ năm, duy trì sự ổn định của môi trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh ổn định có ý nghĩa quan trọng đến các quyết sách của DN. Một môi trường kinh doanh ổn định, không có nhiều điều kiện gây khó khăn cho cộng đồng DN trong thực hiện các hoạt động của mình đều sẽ tạo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững của DN.

Do đó, các cơ quan của Chính phủ cần không ngừng rà soát và tháo gỡ các điều kiện kinh doanh đang thực sự là rào cản đối với phát triển bền vững của DN.

Thứ sáu, xây dựng và vận hành cơ chế hỗ trợ tài chính sáng tạo, kiến tạo và bình đẳng đối với DN.

Cơ chế hỗ trợ tài chính cần hướng tới những DN đang hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế và khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo nhằm có được năng suất lao động cao hơn. Các DN trong các lĩnh vực thuộc thế mạnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới cần nằm trong danh sách ưu tiên hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghệ mới, Bộ Tài chính có thể phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thiết lập và vận hành một số quỹ hỗ trợ tài chính cho các DN khởi nghiệp sáng tạo.

Thông qua các quỹ này, DN khởi nghiệp sáng tạo sẽ được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ công của Chính phủ để xây dựng và triển khải các ứng dụng làm giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và gia tăng hiệu lực, hiệu quả của các dịch vụ công của Nhà nước.

Đối với những DN truyền thống, Chính phủ tiếp tục sử dụng các công cụ khuyến khích tài chính như thuế, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính trong triển khai mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo để gia tăng năng suất lao động của DN.      

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN (2016): Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN nhà nước năm 2016 và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Hà Nội;

2. VCCI (2017), Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN, Hà Nội;

3. VBF (2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo Diễn đàn DN (giữa kỳ và cuối kỳ), Hà Nội;

4. Matthias Doepke and Fabrizio Zilibotti (2014), Culture, Entrepreneurship, and Growth, in Philippe Aghion and Steven N. Durlauf (eds), Handbook of Economic Growth, Elsevier, UK.