Thuê dịch vụ làm kế toán, cần lưu ý những gì?
Hiện nay, xu hướng thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng ngày càng nhiều và đã được quy định rõ tại các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định này, vẫn còn một số điểm các tổ chức, đơn vị thuê dịch vụ làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán cần lưu ý.
Các quy định chung
Thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán là hoạt động bình thường tại doanh nghiệp (DN) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, cũng như phù hợp với quy mô, sức khỏe tài chính của mỗi DN.
Điều 22, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán cũng nêu rõ, các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh, DN được thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về việc thuê dịch vụ làm kế toán, thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán
Theo Điều 21, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, kế toán trưởng, phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn quy định gồm: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán; Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng; Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
Đồng thời, hiện nay, pháp luật cũng quy định rõ những người không được làm kế toán, cũng đồng nghĩa với với việc không được làm kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.
Cụ thể, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp sau đây không được làm kế toán: người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Bên cạnh đó, một số trường hợp khác không được làm kế toán là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán…
Một số điểm cần lưu ý
Hiện nay, xu hướng thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng ngày càng nhiều hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, cũng như phù hợp với quy mô, sức khỏe tài chính của mỗi DN. Trong quá trình thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán, cần lưu ý một số vấn đề gồm:
Một là, việc thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Hai là, đơn vị kế toán thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực mọi thông tin, tài liệu liên quan đến công việc thuê làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng và thanh toán đầy đủ, kịp thời phí dịch vụ kế toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Ba là, khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới.
Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.