Tăng cường các giải pháp điều hành Ngân sách Nhà nước
(Taichinh) - Ngày 9/6, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo chuyên đề công tác quản lý ngân sách nhà nước, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Huỳnh Quang Hải chủ trì buổi Họp báo. Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Tổng Cục Hải quan, Tổng Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính-Hành chính sự nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng... Cuộc Họp báo cũng nhận được sự quan tâm từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Thu ngân sách đạt tiến độ khá
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động SX-KD và XNK có bước phát triển tốt nên so với cùng kỳ một số năm gần đây, tiến độ thực hiện thu nội địa và thu cân đối từ XNK 5 tháng đầu năm nay đạt khá.
Cụ thể, thu NSNN thực hiện 5 tháng ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2014, trong đó: thu nội địa đạt 44,3% dự toán, tăng 16,3%; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 37,7% dự toán, tăng 6,5%; riêng thu về dầu thô đạt 32,6% dự toán, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014 do giá dầu giảm (giá dầu dự toán 100 USD/thùng, bình quân 5 tháng đạt 57,8 USD/thùng, giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán).
Chi NSNN thực hiện 5 tháng ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 37,4% dự toán, tăng 8,8%; chi trả nợ và viện trợ đạt 43,2% dự toán, tăng 23,5%; chi phát triển các sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 40,9% dự toán, tăng 5,1%.
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt khá hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây; tuy nhiên giải ngân vốn TPCP còn đạt thấp. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 58,9 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn.
Về cân đối NSNN: Bội chi NSNN 5 tháng ước 74,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,1% dự toán năm. Tính đến hết tháng 5, đã thực hiện phát hành trên 94,3 nghìn tỷ đồng TPCP để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng 34,3% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2015.
Tăng cường các giải pháp điều hành Ngân sách
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN năm 2015, sẵn sàng ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng sau:
Thứ nhất, tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển SX-KD, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra, tạo điều kiện phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN.
Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và XNK ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2015.
Thứ ba, tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định; trong đó tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
Thứ tư, quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo không vượt mức trần cho phép 65%GDP. Cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng các khoản vay trung, dài hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay. Tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.
Thứ năm, tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình. Tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá.
Thứ sáu, khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bảy là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính.