Tăng cường quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng
(Taichinh) - Bộ Tài chính vừa hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP và vốn ODA thanh toán trong năm 2015 và các năm sau.
Văn bản của Bộ Tài chính nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo đó, Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước - vốn trong nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn ODA thanh toán trong năm 2015 và các năm sau.
Cụ thể, tổng mức vốn tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn NSNN (vốn trong nước) và vốn TPCP của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.
Việc tạm ứng đối với các hợp đồng của các công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; dự án đầu tư để đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai, bão lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; dự án, gói thầu cung cấp thiết bị trong nước và thiết bị nhập ngoại; dự án đầu tư có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của các bộ, ngành, địa phương chỉ được thực hiện từ quý III/2014 và áp dụng cho các dự án được bố trí kế hoạch năm 2014.
Đồng thời không áp dụng đối với các dự án nguồn vốn NSNN và vốn TPCP thuộc kế hoạch năm 2012, 2013, 2014 được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2015, cũng như các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2015 trở đi.
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạm ứng hợp đồng của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc kế hoạch vốn năm 2015 và các năm tiếp theo được thực hiện theo Công văn số 9519/BTC-ĐT ngày 14/7/2014 của Bộ Tài chính cho đến khi Chính phủ có quy định và hướng dẫn khác.
Theo đó, việc tạm ứng vốn của chủ dự án cho nhà thầu chỉ thực hiện đối với các công việc cần thiết phải tạm ứng trước để triển khai thực hiện hợp đồng và phải được quy định rõ đối tượng, nội dung và công việc cụ thể trong hợp đồng.
Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải theo quy định của Nhà nước đối với từng loại hợp đồng. Cụ thể, mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với hợp đồng tư vấn bằng 25% giá trị hợp đồng.
Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng; hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng; hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.
Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác, mức tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.
Mức tạm ứng tối đa của các loại hợp đồng trên là 50% giá trị hợp đồng. Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép…