Tăng khả năng nhà đầu tư khởi kiện Chính phủ
Không cần có thỏa thuận trọng tài, nhà đầu tư vẫn có thể khởi kiện Chính phủ Việt Nam dựa trên các cam kết quốc tế như TPP, EVFTA… Đây là lưu ý của ông Byoung Pil KIM – Luật sư thành viên BAE, KIM & LEE LLC.
Theo ông Byoung Pil Kim vì tòa án không giải quyết các vấn đề với chính phủ, nên trọng tài sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp về đầu tư. Hiện nay trên thế giới đã có 600 vụ giải quyết tranh chấp về đầu tư thông qua trọng tài.
Chủ yếu những vụ kiện được thực hiện bởi những nhà đầu tư đến từ các nước phát triển, đã có hơn 100 quốc gia bị khởi kiện. Trong đó, khoảng 35% vụ việc có kết quả có lợi cho nhà đầu tư.
Vì sao nhà đầu tư có quyền khởi kiện ra trọng tài?
Việc khởi kiện và thực thi phán quyết của trọng tài trên thế giới phần lớn được chi phối bởi Công ước New York. Cụ thể, các bên tham gia vào trọng tài thương mại có quyền tự do sử dụng trọng tài và khi các quốc gia đã ký kết Công ước New York thì nhà đầu tư hoàn toàn có căn cứ để sử dụng trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp về đầu tư với chính phủ.
60% các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là bị đơn do các nguyên đơn là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia phát triển
“Mặc dù trong các quyết định cấp phép đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư không có thỏa thuận trọng tài được ký kết giữa chính quyền và nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư có thể khởi kiện ra trọng tài” – ông Kim nhấn mạnh.
Cần sớm tham gia Công ước ICSID
Thời gian gần đây, VN đã phải đối diện với một số vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài như gần đây 4 nhà̀ đầu tư nước ngoài gồm Recofi, TVB, Sài Gòn Metropolitant, Sezako đang kiện Chính phủ VN tại Hội đồng Trọng tài Quốc tế.
Mặc dù, vụ việc chưa có thông tin chính thức về kết luận phán quyết của Hội đồng Trọng tài Quốc tế, nhưng với những FTA vừa ký kết, nguy cơ về việc Chính phủ phải đối diện với các vụ kiện tranh chấp đầu tư đang ngày càng cao.
Ông Phạm Mạnh Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty Luật LS Rajah & Tann LCT Lawyers cho biết, từ những thập niên 90, VN đã tích cực ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp, và coi đó là công cụ thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện chúng ta đã ký kết 50 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, gần đây vào tháng 2/2016, chúng ta ký kết hiệp định TPP.
Theo đó, các hiệp định ký vào thập niên năm 90 thường có phạm vi và nội dung bảo hộ hạn chế như chủ yếu bảo hộ đầu tư trực tiếp. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc rất hạn hữu.
Tuy nhiên, từ khi là thành viên WTO, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, VN tham gia rất nhiều Hiệp định FTA, trong đó đáng chú ý là TPP và EVFTA. Với các hiệp định FTA thế hệ mới này cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư đã có sức lan rộng hơn, mạnh mẽ hơn. Trong chương TPP, chủ thể bị kiện có thể là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực thi chức năng nhà nước, kể cả DNNN.
Liên quan đến sự tác động TPP đến việc xây dựng hệ thống pháp luật VN, ông Dũng cho biết, phần lớn các nước ký kết TPP là thành viên Công ước ICSID. Cơ chế giải quyết tranh chấp theo TPP đã được các thành viên thỏa thuận theo ICSID.
Như vậy, khi TPP có hiệu lực thực thi thì giải quyết tranh chấp về đầu tư của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư đến từ các quốc gia thành viên sẽ mặc nhiên phải theo Công ước ICSID. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy quá trình tham gia Công ước ICSID.